Thương mại Việt Nam- Brazil sẽ đạt mốc 2 tỷ USD

(VOV) - Quy mô thương mại sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD trong khoảng 4-5 năm nữa và sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD vào những năm 2020

Thương vụ Việt Nam tại Brazil ước tính tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và Brazil 6 tháng đầu năm 2013 đạt  970 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt gần 500 triệu USD, đạt được mục tiêu kế hoạch xuất khẩu được giao.

Tổng kim ngạch song phương ước tính sẽ đạt mốc 2 tỷ USD năm 2013.

5 tháng, xuất siêu 10,43 triệu USD

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong tháng 5/2013, tổng kim ngạch 2 chiều Việt Nam- Brazil đạt 206,38 triệu USD.

Trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil đạt 109,877 triệu USD. Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, đây là kết quả xuất khẩu cao nhất hàng tháng tính tới thời điểm này.  Giá trị nhập khẩu đạt 96,518 triệu USD. Thặng dư thương mại đạt 13,359 triệu USD.

Tính chung 5 tháng, giá trị trao đổi thương mại 2 chiều của Việt Nam với Brazil đạt  804,61 triệu USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Trong đó giá trị xuất khẩu đạt 407,57 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 397,14 triệu USD.

Như vậy, 5 tháng Việt Nam đã xuất siêu sang Brazil 10,43 triệu USD, mức thặng dư cao nhất lần đầu đạt được trong 5 tháng lũy kế.

Theo Thương vụ tại Brazil, các mặt hàng xuất khẩu chính trong 5 tháng đầu năm 2013 đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ gồm: Giày dép các loại đạt 121,47 triệu USD. Thủy sản  đạt 42,73 triệu USD. Điện thoại các loại linh kiện đạt 71,19 triệu USD, tăng 1.030%. Máy vi tính và sản phẩm điện tử đạt 35,28 triệu USD, tăng 61,0%. Hàng dệt may đạt 17,5 triệu  USD…

Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái triền miên, xu hướng bảo hộ gia tăng, có được tăng trưởng xuất khẩu 43,2 % như trên chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực vượt khó trong thâm nhập và mở rộng thị trường.

Thương vụ cho biết, hàng năm, ở nước sở tại, nhiều biện pháp kỹ thuật được tạo dựng, nhiều vụ điều tra bán phá giá, gian lận xuất xứ được tiến hành để bảo vệ sản xuất công nghiệp nội địa, đã gây tác động không nhỏ tới tâm lý doanh nghiệp của cả hai nước. Song, với sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan của ta trong bảo vệ thị trường, bảo vệ uy tín sản phẩm Việt Nam, tới nay chưa có mặt hàng nào của ta bị áp thuế bán phá giá tại thị trường Brazil.

Cá biệt một số sản phẩm như túi xách, vi, vali, mũ, ô dù đạt giá trị xuất khẩu 4,65 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ.  Một trong những nguyên nhân chính do Brazil áp dụng các biện pháp bảo vệ ngành dệt may sử dụng nhiều lao động, trong đó đã  tiến hành điều tra 5 vụ dumpping. Tuy sản phẩm dệt may, túi xách, vi, vali, mũ, ô dù của ta chưa bị áp thuế bán phá giá nhưng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á khác với mẫu mã hấp dẫn, thị hiếu và giá cả phù hợp với đại bộ phận người dân có thu nhập chưa cao.

Một số mặt hàng nhập khẩu chính phục vụ sản xuất trong nước gồm thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, ngô hạt, nguyên liệu thuốc lá, nguyên liệu da giày, dệt may, sắt thép các loại…

Nguyên nhân cơ bản làm cho tốc độ và tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu thấp dần (9,8% so với cùng kỳ), thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu, là tác động của khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới tới sức phát triển sản xuất và nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Mở ra nhiều cơ hội- có thể đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD/năm

Thương vụ Brazil cho rằng, kinh tế toàn cầu sẽ dần dần ra khỏi suy thoái, đi vào thời kỳ ổn định. Nếu môi trường kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước được cải thiện rõ nét, niềm tin của giới doanh nghiệp hai bên vào phát triển thị trường được không ngừng củng cố và tăng cường, tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu được giữ vững, quy mô thương mại song phương sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD trong khoảng 4-5 năm nữa và sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD vào những năm 2020.

Bên cạnh đó, nếu chính sách thương mại của khối Mercosur và của nước sở tại có sự đổi mới, làm tiền đề cho các hiệp định kinh tế, thương mại ưu đãi đầu tư song phương ra đời, tạo bước đột phá mới trong quan hệ hai nước. Quy mô hợp tác kinh tế, thương mại song phương Việt Nam-Brazil có thể đạt trên 10 tỷ USD/năm.

Kết quả đó sẽ phần nào phản ánh tiềm năng thị trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hai nước.

Để đạt mục tiêu trên, Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho rằng, trước mắt các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt, tận dụng một số cơ hội như: Thị trường Brazil rộng lớn, nhiều tiềm năng, dân số đông, còn nhiều dư địa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập. Sức mua của người tiêu dùng và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa không ngừng tăng cao. Thị hiếu ưa chuộng hàng nhập ngoại, có giá cạnh tranh, mẫu mã cải tiến.

Trong mấy năm qua, chính sách thương mại sở tại đã tích cực bảo vệ công nghiệp và thị trường nội địa, tăng đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ.  Tuy thế, chi phí sản xuất đầu vào còn cao, ảnh hưởng khả năng cạnh tranh hàng hóa và kích thích nhập khẩu.

Mặt khác, khi so sánh lợi thế, giá cả hàng hóa một số nước láng giềng khu vực châu Á đang tăng cao do tăng chi phí đầu vào sản xuất và tăng  lương công nhân. Trong khi đó, tương quan giữa giá cả, giá trị sử dụng hàng hóa của Việt Nam là rất cạnh tranh.

Ngoài ra, thị trường Brazil là thị trường gốc, nguồn cung hàng đầu thế giới về nguyên liệu như dầu khí, quặng sắt, bông, sợi dệt, nguyên liệu thuốc lá, da giày, đường, cồn, cà phê, đậu tương, thịt, ngô, hoa quả... Khi giao dịch trực tiếp với đối tác Brazil, doanh nghiệp ta sẽ được chủ động về đối tác, giá cả, nguồn hàng, sẽ bù đắp được chi phí vận tải, mang lại lợi nhuận cao hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên