Thương mại Việt Nam - Brazil vượt ngưỡng một tỷ USD

Cán cân thương mại hai nước dần dần được cân bằng sau nhiều năm Việt Nam nhập siêu từ Brazil.

Theo số liệu thống kê của Bộ Phát triển, Công nghiệp và Ngoại thương Brazil, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil trong 9 tháng đầu năm 2011 đạt 1,06 tỷ USD, tăng 61,2% so với cùng kỳ 2010.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil đạt 486 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Brazil đạt 574 triệu USD.

Dự kiến cả năm 2011 tổng kim ngạch thương mại 2 chiều sẽ đạt gần 1,5 tỷ USD. Dự báo tốc độ tăng trưởng này sẽ được tiếp tục duy trì trong các năm tới, đến năm 2015 tổng kim ngạch hai chiều ước tính đạt khoảng trên 4 tỷ USD.

Về cơ cấu hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Brazil các sản phẩm có giá trị kim ngạch thứ tự từ cao xuống thấp là giày dép (30%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13%), hàng thủy sản (12%), hàng dệt may (8 %); máy, thiết bị, phương tiện vận tải (5%); cao su, sản phẩm từ cao su (5%); xơ, sợi dệt các loại (3 %), túi xách, vali ô dù (3 %); sắt thép, sản phẩm từ thép (2%); điện thoại, linh kiện điện thoại (11%); hàng hóa khác (8%).

Về mặt hàng nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Brazil các loại thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may da giày, nguyên phụ liệu thuốc lá, ngô, sắt thép các loại, bông các loại, gỗ và sản phẩm gỗ...

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, có được kết quả thương mại như trên là do Brazil là nền kinh tế mới nổi, quy mô GDP lớn thứ 8 trên thế giới, là thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng, dân số hơn 200 triệu người. Với thu nhập bình quân đầu người gần 1000 USD/năm vào loại trung bình khá trên thế giới, thị hiếu và yêu cầu chất lượng và giá cả hàng hoá vừa phải, là thị trường mở ra cho hàng hoá xuất khẩu phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam.

Những năm qua, Chính phủ Brazil đã có những biện pháp kinh tế và tài chính hữu hiệu để khắc phục ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những giải pháp quyết liệt để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất và xuất khẩu. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và nỗ lực của các doanh nghiệp, quan hệ thương mại song phương đang có bước phát triển mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, tác động của kinh tế thế giới.

Ngoài những thuận lợi và nỗ lực trên, giao thương hai nước đang vượt qua một số khó khăn là vị trí địa lý xa xôi làm tăng thời gian và chi phí vận tải hàng hóa. Doanh nghiệp hai nước còn thiếu thông tin về thị trường, do đó hai Bên cần tổ chức nhiều hơn nữa các đoàn XTTM và các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát, dự hội chợ triển lãm, tìm hiểu đối tác, bạn hàng của nhau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên