Tiềm năng phát triển cây mắc ca ở Lạng Sơn
VOV.VN - Tiềm năng phát triển cây mắc ca tại Lạng Sơn được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi địa phương có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu tương đối thích hợp với loài cây này.
Ngày 16/3, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Mắc ca là cây lâu năm thân gỗ có thể cao trên 15m, tuổi thọ kinh doanh 40 - 60 năm. Ở Việt Nam, Mắc ca là cây nhập nội trong danh mục cây trồng lâm nghiệp chính, thường được gây trồng ở những nơi có lớp đất mặt dày trên 50cm. Nhân hạt mắc ca được dùng làm thực phẩm hoặc hóa mỹ phẩm…
Tại Lạng Sơn, từ năm 2003, cây mắc ca đã được Công ty cổ phần giống lâm nghiệp Đông Bắc đưa vào trồng khảo nghiệm tại Lạng Sơn với số lượng nhỏ lẻ và trong khoảng 20 năm qua, diện tích mắc ca trên toàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt hơn 486 ha; năng suất bình quân khoảng 3,4 tấn quả tươi/ha/năm...
Ông Lục Văn Bằng (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) một trong những hộ gia đình trồng cây Mắc ca đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Cây Mắc ca có hơn 30 giống. Trong các giống đó có thể phù hợp với địa phương này nhưng lại không phù hợp với địa phương kia vì nó cực kỳ kén khí hậu.
Chúng ta trồng làm kinh tế nên năng suất phải đạt, chất lượng hạt là phải thật tốt. Vì vậy, bà con nên tìm đến những vườn giống có uy tín tại địa phương mình, tuyệt đối không mua giống trôi nổi ở ngoài thị trường vì đây là cây trồng lâu năm, để đạt được năng suất tốt nhất thì phải mất 8-10 năm".
Tiềm năng phát triển cây mắc ca tại Lạng Sơn cũng được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi địa phương có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu tương đối thích hợp với loài cây này. Quá trình trồng thử nghiệm cũng rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc chọn giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca; thu hoạch chế biến và tiêu thụ hạt mắc ca; các vấn đề về liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm; chính sách thu hút dự án đầu tư trồng, chế biến, kinh doanh mắc ca; những khó khăn, vướng mắc...
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam, cho biết: "Với những mô hình đầu tiên của Lạng Sơn đã chứng minh mắc ca có thể là đối tượng giúp bà con ở những vùng đồi núi, dân tộc, vùng sâu vùng xa có thể có điều kiện để vươn lên, phát triển kinh tế.
Rất mong tỉnh, các huyện, các công ty, các hộ gia đình có thể giúp cho bà con tiếp cận thông tin, tiếp cận với các mô hình đã trồng có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để làm sao cho người dân được tiếp cận sát hơn với cây mắc ca. Hiệp hội chúng tôi luôn song hành cùng với địa phương, cùng với ngành Lâm nghiệp luôn luôn sẵn sàng, giúp đỡ cho bà con tập huấn cũng như trong vay vốn"./.