Tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%: Còn nhiều thủ tục phức tạp đối với doanh nghiệp
VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện để tiếp cận chương trình này vẫn còn nhiều khó khăn về điều kiện, thủ tục, nhất là việc các ngân hàng thương mại thận trọng khi xét duyệt hồ sơ cho vay…
Sau hơn 3 tháng triển khai chương trình hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện để tiếp cận chương trình này vẫn còn nhiều khó khăn về điều kiện, thủ tục, nhất là việc các ngân hàng thương mại thận trọng khi xét duyệt hồ sơ cho vay…
Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề do 2 năm bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, khi có thông tin triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhiều doanh nghiệp đặt rất nhiều kỳ vọng bởi đây là thời điểm họ cần có nguồn vốn để duy trì, đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động sau đại dịch.
Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty máy tính Thánh Gióng cho biết, ngay sau khi biết thông tin doanh nghiệp đã chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ, nhưng vượt qua được “cửa ải” thủ tục là không dễ.
"Để tiếp cận được gói hỗ trợ 2 % các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được rất nhiều các tiêu chí, trong đó một số tiêu chí phần lớn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được. Về doanh nghiệp của chúng tôi cũng đã gửi hồ sơ và cũng phải chỉnh sửa nhiều lần, nhưng đến thời điểm này thì cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn đó, bởi có rất nhiều hàng rào mà trong đó hàng rào lớn nhất là hàng rào pháp lý doanh nghiệp khó có khả năng tiếp cận được" - ông Dương bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp khẳng định, nếu thực hiện giải ngân tốt hơn gói hỗ trợ thì sẽ giúp cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh hơn. Do vậy, cần có những điều chỉnh kịp thời để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với những nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình nêu ý kiến: "Các hướng dẫn, các tiêu chí để giải quyết các lĩnh vực được hưởng thì lại phải xét và qua rất nhiều khâu nên còn chậm lại. Các doanh nghiệp thì cũng rất mong đợi, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, họ cần sự hỗ trợ một cách kịp thời đến cho doanh nghiệp để từ đó động lực để tiếp tục phát triển"./.