Tiếp tục hoàn thiện cơ chế hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương dự thảo Quyết định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp để trình Thủ tướng trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, việc ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.

Bởi theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/12/2009, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch phát triển 1.872 cụm công nghiệp với diện tích đất tương ứng là 76.520 ha. Trong đó, có 918 cụm công nghiệp đã được thành lập và đang hoạt động với diện tích đất tương đương 40.597 ha. Tuy nhiên, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê chỉ chiếm khoảng 7.510 ha, chiếm 26,4% diện tích đất công nghiệp của cụm. Ngoài ra, không như các khu công nghiệp, hầu hết các cụm công nghiệp đều nằm ở vị trí không thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng còn kém phát triển…

Những năm qua Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển cụm công nghiệp nói riêng được thể hiện trong: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… Các địa phương cũng có những chính sách cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển cụm công nghiệp như: Hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển, hỗ trợ di dời…

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương những cơ chế, chính sách trên vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp cũng như đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, hơn nữa, các chính sách trên vẫn chưa đủ “ưu đãi” giống như ưu đãi đối với các khu công nghiệp.

Bộ Công Thương cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các cụm công nghiệp vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động tại các cụm công nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai nghiên cứu xây dựng Quyết định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp.

Đến nay, sau vài tháng triển khai, dự thảo đã được 10/11 bộ ngành có liên quan và 46/63 địa phương góp ý xây dựng.

Nội dung chủ yếu của Quyết định được đề cập tại 3 chương và 13 điều.

Góp ý tại Hội thảo mới đây do Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức tại Hà Nội, đa số các đại biểu đều nhất trí việc ban hành cơ chế chính sách ưu đãi hộ trợ phát triển cụm công nghiệp. Tuy nhiên, về nội dung cụ thể tại một số điều vẫn có một số ý kiến cho rằng cần sửa đổi một số nội dung.

Tại Điều 6 về Điều kiện đối với các địa phương được hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương quy định các điều kiện để xác định địa phương được ngân sách trung ương hỗ trợ vốn phải là địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn thể hiện ở 2 chỉ tiêu: Tỷ lệ bố sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương so với chi ngân sách địa phương lớn hơn 60%; Tỷ lệ công nghiệp GDP của địa phương thấp hơn tỷ trọng công nghiệp GDP của cả nước ít nhất 10%. Với nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng không nên sử dụng các tiêu chí, điều kiện hỗ trợ phát triển khu công nghiệp để đưa ra các tiêu chí, điều kiện hỗ trợ cụm công nghiệp và nhiều địa phương đề nghị hạ thấp các tiêu chí trên để địa phương được hưởng các chính sách ưu đãi.

Cũng với quan điểm góp ý, xây dựng, một số đại biểu cho rằng, cần điều chỉnh lại mức hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp ở các địa phương dao động từ 10-20 tỷ đồng/ cụm công nghiệp thay cho quy định không qua 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ lên tới 150-200 tỷ đồng/ 1 tỉnh, hay mức hỗ trợ được tính theo quy mô diện tích hoặc tỷ lệ % của quy mô diện tích cụm, theo đó mức hỗ trợ cho mỗi cụm có thể lên tới 10-20 tỷ đồng và thậm chí 30 tỷ đồng/ cụm…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên