Tiếp tục thực hiện giá trần sữa tối đa đến hết tháng 5/2015
VOV.VN - Sau thời điểm này, căn cứ trên cơ sở thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực thì sẽ dỡ bỏ việc áp giá trần.
Bắt đầu từ ngày 1/12 các doanh sản xuất, kinh doanh sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không phải thực hiện đăng ký giá mà chuyển sang thực hiện kê khai giá. Mặc dù vậy, Bộ Tài chính khẳng định, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết tháng 5 năm 2015.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính xung quanh việc bình ổn thị trường sữa thời gian tới.
PV: Thưa ông, qua gần 6 tháng thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi, trong đó có biện pháp áp giá trần, ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Qua thời gian xác định giá trần tối đa và thực hiện các biện pháp bình ổn giá, cùng với Sở Tài chính các địa phương, chúng tôi xác định được 582 dòng sản phẩm áp giá tối đa.
Thời gian qua, 582 dòng sản phẩm này đã giảm giá từ 0,1 – 34% tùy từng dòng sản phẩm, so với trước khi áp giá trần. Đây là dấu hiệu tích cực trên thị trường sữa, tác động tích cực đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi diến biến giá cả, các yếu tố đầu vào để có các biện pháp tiếp theo.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính (Ảnh: KT)
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo Nghị quyết của Chính phủ áp dụng 2 biện pháp bình ổn giá là đăng ký giá trong vòng 6 tháng và xác định giá trần tối đa trong vòng 12 tháng.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành chức năng đã xác định giá trần tối đa cho mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và thực hiện đăng ký giá 6 tháng tính từ 1/6/2014 và cho đến hết 30/11, điều kiện áp dụng đăng ký giá hết hiệu lực và chuyển sang kê khai giá.
Điều này không ảnh hưởng gì đến mặt bằng giá cả. Vì kê khai giá gì đi nữa thì các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện theo giá trần tối đa đã xác định trước đó và hiệu lực của giá trần tối đa sẽ áp dụng tiếp cho đến hết tháng 5/2015.
Đến tháng 4, tháng 5 sang năm thì cơ quan quản lý nhà nước về giá sẽ tổng kết việc áp giá trần theo Nghị quyết của Chính phủ, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Chính phủ về các biện pháp tiếp theo. Nếu thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực thì sẽ dỡ bỏ việc áp giá trần. Còn trường hợp thị trường tiếp tục biến động thì sẽ trình Chính phủ các biện pháp bình ổn giá khác để bình ổn mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi.
PV: Trong bối cảnh sữa nguyên liệu trên thế giới có mặt hàng giảm giá, người tiêu dùng rất kỳ vọng giá sữa trong nước sẽ giảm theo. Bộ Tài chính có những giải pháp như thế nào để quản lý, kiểm soát giá sữa, bảo vệ người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc theo dõi giá sữa thành phẩm và giá sữa nguyên liệu để thực hiện các biện pháp quản lý về giá là rất quan trọng.
Hiện nay, chúng tôi theo dõi giá sữa qua tờ khai hải quan. Qua thông tin số liệu của cơ quan hải quan cung cấp thì từ tháng 6 đến tháng 9, một số nguyên liệu sữa nhập vào Việt Nam không giảm, mà ổn định, thậm chí nhiều loại tăng giá. Duy nhất có mặt hàng giảm 2,57%.
Đối với các mặt hàng thành phẩm thì qua số liệu thống kê cũng không thấy xu hướng giảm. Chúng tôi luôn bám sát giá sữa thông qua thông tin của cơ quan Hải quan để xem xét quản lý giá trong nước.
Mặt khác, chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan quản lý giá ở địa phương để nắm bắt tình hình và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa cần cắt giảm chi phí quảng cáo, tính toán lại mức giá sao cho phù hợp, đặc biệt là khi yếu tố đầu vào có biến động giảm thì kê khai giá lại.
Sau ngày 1/12/2014 thì thực hiện kê khai giá theo quy định của luật giá. Đồng thời, yêu cầu các Sở Tài chính địa phương cần phải sơ kết 6 tháng thực hiện các biện pháp bình ổn giá của Chính phủ. Trên cơ sở đó sẽ có biện pháp quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian tới.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.