Tiêu dùng hàng Việt tăng vì chất lượng

Theo kết quả điều tra, hiện có tới 80% người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm trong nước và ngày càng có nhiều người tin tưởng vào chất lượng sản phẩm Việt.  

Sức lan tỏa của cuộc vận động

Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” theo chủ trương của Bộ Chính trị đang có sức lan tỏa lớn trong xã hội, hàng hóa Việt ngày càng được nhân dân tin dùng.

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tháng 9/2010, có đến 59% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; gần 40% người tiêu dùng khuyến khích người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam. Đây là minh chứng cho thấy xu hướng tiêu dùng hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ngày càng được quan tâm và chú trọng hơn. 

Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng hàng Việt (Ảnh:Internet)

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Bắc cho biết: Trước đây, hàng Việt có lợi thế cạnh tranh về giá cả nhưng chất lượng sản phẩm chưa tương xứng, khiến thị phần trong nước chưa được mở rộng. Nhiều người dân còn nghi ngại khi sử dụng các sản phẩm Việt. Tuy nhiên, cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã tạo động lực, giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất và kinh doanh mới, từng bước tạo uy tín với người tiêu dùng.

Ông Nguyên Xuân Hồng cho biết: “Những năm gần đây, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng công nghiệp tiêu dùng của Việt Nam rất tốt, có nhiều hàng hóa của Việt Nam gắn mác của nước ngoài. Vấn đề chúng ta phải duy trì được chất lượng, lúc đầu hàng tốt, sau lại kém dần thì chính mình lại phá công sức của mình.”

Ngoài chất lượng và giá cả, hiện nay có tới 1/3 doanh nghiệp chọn hình thức khuyến mãi, giảm giá như: “Ngày vàng khuyến mãi” hay “Tháng cao điểm khuyến mãi”... để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Đây được xem như là biện pháp hữu hiệu mà các doanh nghiệp đang áp dụng hiện nay.

 Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản – Vissan chia sẻ: Trong năm 2010, qua hơn 60 chuyến hàng về nông thôn, Công ty đã tạo dựng được mạng lưới phân phối rộng khắp, đặc biệt đối với thị trường nông thôn trên toàn quốc.

Các doanh nghiệp đều nghiên cứu công nghệ, tạo điều kiện tốt để thực hiện thông số kỹ thuật, giảm giá thành, tạo giá hợp lý với người tiêu dùng. “Chúng tôi khai thác cơ hội, và coi đây là “cơ hội vàng” tạo niềm tin với người tiêu dùng, tạo thượng hiệu”, ông Mười chia sẻ.

Tạo nền tảng thị trường vững chắc

Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là chủ trương đúng đắn nhằm khơi dậy động lực mới cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Trong thời gian tới, hàng hóa sản xuất trong nước vẫn phải chịu sức ép cạnh tranh, nhất là đối với các mặt hàng ngoại nhập và doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục tạo ra những sản phẩm có chất lượng.

Hiện nay nhiều nhà sản xuất đang phải đối mặt với hàng giả, hàng nhái có xuất xứ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, thậm chí những hàng kém chất lượng còn sử dụng thương hiệu sản phẩm uy tín trong nước để lưu hành…gây dư luận xấu, khiến người tiêu dùng lo ngại.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ Trưởng Bộ Công Thương nêu rõ: “Thương mại trong nước phát triển sẽ làm nền tảng cho những mặt hàng mà các doanh nghiệp trong nước sản xuất được phát triển, thương mại nội địa phát triển. Thị trường trong nước phát triển được thì nó là cơ sở vững chắc để đàm phán với thị trường nước ngoài.” 

Ý thức tiêu dùng, mua sắm hàng Việt đã tăng lên, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, mức doanh số bán lẻ tăng trung bình 20%/năm là điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội, khẳng định thương hiệu.

Cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng

Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký MTTQVN, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”  cho biết, theo kết quả điều tra, sản xuất trong nước có tới 80% người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo ông Kim,  doanh nghiệp và nhà sản xuất cần chú trọng đổi mới công nghệ và quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ đi đôi với việc phát triển thị trường sản phẩm, thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ sau bán hàng để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của người tiêu dùng.

Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đang ngày khắc sâu niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm trong nước. Bản thân các doanh nghiệp cũng dần khẳng định được chỗ đứng bằng uy tín và chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tốt hơn nữa để cuộc vận động thực sự trở thành phong trào bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên