Tiểu thương thức đêm “gác” chợ Thành Công
VOV.VN - Từ khi việc này xảy ra, bà con ở chợ đã thay phiên nhau "gác" chợ, treo băng rôn, biểu ngữ phản đối việc xây dựng Trung tâm thương mại.
Gần 5 ngày nay, hơn 500 hộ kinh doanh tại chợ Thành Công thay nhau túc trực đêm tại chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) để "gác" không cho chủ đầu tư đưa máy khoan vào thăm dò địa chất.
Phản đối chuyển đổi chợ thành Trung tâm thương mại
Hơn 500 hộ kinh doanh tại chợ Thành Công bàng hoàng khi nhận được thông báo "miệng" từ Ban quản lý chợ về việc xây dựng chợ thành trung tâm thương mại (TTTM). Sự việc càng nghiêm trọng hơn là chỉ một ngày sau khi thông báo, chủ đầu tư đã "lặng lẽ" đưa máy khoan vào chợ để thăm dò địa chất khi trời tối.
Từ khi việc này xảy ra, kể từ tối 15/10 đến nay, bà con ở chợ đã thay phiên nhau "gác" chợ, treo băng rôn, biểu ngữ phản đối việc xây dựng TTTM trong khi chợ đang buôn bán rất ổn định
Theo bà Nguyễn Thị Kim Lan, ngành hàng quần áo: "Tôi phản đối vì mô hình chợ và TTTM hiện nay hoạt động không hiệu quả. Đã thế, khi vào TTTM, các tiểu thương phải chịu nhiều chi phí phát sinh. Hơn nữa, phần lớn dân của mình là nhập thấp, thu nhập trung bình nên nhu cầu thiết thực là mua hàng hóa vừa phải, trung bình vì thế sẽ ít người vào siêu thị đi chợ. Như vậy TTTM sẽ vắng khách. Cả gia đình tôi trông chờ vào quầy hàng này, nếu không tồn tại chợ, chúng tôi biết làm gì kiếm ăn?".
"Trước đây tôi là nông dân, chỉ bám ruộng để sinh sống, nhưng từ khi mất đất, tôi vào chợ buôn bán đến nay được gần 20 năm nay. Nhà tôi có 5 người, nhưng chỉ có chồng tôi là cán bộ nhà nước về hưu, còn lại 4 người trong gia đình đều buôn bán tự do trong chợ. Vì vậy, chợ này là nguồn sống chủ yếu của gia đình.Cuộc sống của chúng tôi đang ổn định, tự dưng lại có thông tin là chợ này sẽ chuyển ra ngoài kia, ở đây sẽ xây thành TTTM, xây thành các nhà cao tầng rồi bán lại cho các hộ kinh doanh? Lúc xây xong TTTM, chúng tôi lấy tiền đâu mà vào đó buôn bán? Chúng tôi muốn giữ lại chợ truyền thống để kinh doanh chứ không muốn xây thành TTTM ". bà Nguyễn Thị Chanh, ngành hàng rau củ bức xúc bày tỏ.
Là người buôn bán trong chợ gần 20 năm, chị Trần Thu Huyền bán hàng hoa tươi cho biết: "Tôi muốn giữ lại chợ cổ truyền, vì tôi thấy đời sống của nhân dân mình chưa cao, TTTM lại quá nhiều. Thu nhập của nhân dân mình còn hạn chế, đi vào chợ dân sinh sẽ dễ mua hơn. Nếu chủ chương của Đảng, Nhà nước là xây dựng cho quận Ba Đình sáng, xanh, sạch, đẹp, tất cả các chị em trong chợ sẽ đồng thuận cùng đóng góp để cải tạo lại chợ. Tôi cũng muốn gìn giữ lại nét cổ truyền của Hà Nội mình, chứ không muốn chỗ nào cũng thành siêu thị, thành trung tâm thương mại, nhưng vắng bóng người".
Theo bà con tiểu thương, họ không hề biết gì cho đến ngày 13/10, Ban quản lí chợ họp trưởng các ngành hàng để thông báo một số vấn đề. Sau khi họp xong các trưởng ngành hàng mới về phổ biến là sẽ xây lại chợ, toàn bộ chợ sẽ chuyển ra bán hàng ở phía mương trên đường Nguyên Hồng. Khả năng là sẽ chuyển chợ trước tết. Lúc này bà con rất là hoang mang, vì đây là cuộc sống của cả gia đình, phía sau quầy hàng này là gia đình, chồng và các con... Dù thông báo này mới chỉ bằng "miệng" từ BQL chợ, nhưng không hiểu vì sao ngay tối ngày hôm sau (tức tối 14/10) đã có các dàn máy khoan được trở đến chợ để thăm dò địa chất.
"Chúng tôi chưa nhận được bất kì văn bản nào từ BQL chợ cũng như cơ quan chức năng về vấn đề này. Bà con chỉ nghe phổ biến lại từ trưởng, phó ngành hàng là chợ sẽ xây lên thành 6 tầng, bà con sẽ xuống tầng hầm để buôn bán. Bà con cũng không hề biết rằng, sau khi chuyển đổi xong, chủ sở hữu là ai? Nếu như thuộc về chủ đầu tư thì ngoài những bất cập về chợ trong TTTM như chúng ta đang chứng kiến hiện nay thì lấy gì đảm bảo là sau 3 năm, 5 năm chủ đầu tư không tăng giá vô tội vạ? Ai sẽ đảm bảo an sinh cho hơn 500 hộ kinh doanh trong chợ hiện nay?" bà Nguyễn Thị Kim Lan bức xúc.
Nhiều người dân ở khu tập thể Thành Công cho rằng, chợ dân sinh sẽ ở đâu trong khi cả khu vực này bà con đều là thu nhập thấp và thu nhập trung bình? Dân sẽ mua hàng hóa ở đâu, trong khi nhu cầu của họ vẫn là hàng hóa giá rẻ?
Các tiểu thương lo lắng cho tương lai
Nhiều tiểu thương lo lắng, chuyển đổi chợ mà đền bù được ít tiền trong một thời gian sau tiêu hết, còn nếu tiền đó thuê gian hàng trong TTTM chưa chắc đã đủ. Dù có thuê được trong TTTM nhưng không kinh doanh được họ lại phải ra đường đi bán rong, như thế chợ cóc sẽ mọc lên nhiều và TTTM lại càng vắng vẻ. Vấn đề này vốn đã được Sở Công thương cảnh báo trong một cuộc họp giao ban với Thành ủy cách đây không lâu.
Cũng theo các tiểu thương, nhiều người buôn bán trong chợ đã lớn tuổi, trình độ chuyên môn không có, nếu phải dời chợ, họ không biết làm gì. Có người ở tuổi trên 55, có người gần 40 tuổi... những người trẻ cũng không có trình độ chuyên môn, vì vậy sẽ không thể vào làm được ở Cty nào mà bán hàng rong không đủ sức khỏe... Vì vậy nên đa số bà con đều muốn giữ lại chợ để làm ăn, sinh sống, nhiều người ở chợ đến hơn 60 tuổi nhưng ở nhà không có lương hưu nên phải ra chợ để kiếm sống.
Tâm tình của bà con tiểu thương là như thế, nhưng BQL chợ Thành Công vẫn "lẳng lặng" để chủ đầu tư đưa máy khoan vào thăm dò. Họ chưa có thông báo nào chính thức hay tổ chức các cuộc họp để phổ biến chủ chương hoặc nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con tiểu thương.
Chúng tôi đã liên hệ với BQL chợ Thành Công để hỏi về vấn đề này nhưng vẫn chưa gặp được họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này./.