Doanh nghiệp xe đạp Việt Nam

Tìm đường tái xuất khẩu vào thị trường EU

Doanh nghiệp cần có kế hoạch điều phối khối lượng tổng lượng hàng hóa xuất vào thị trường này cho hợp lý tránh tình trạng ồ ạt như trước đây.

Tổng vụ Thương mại - Uỷ ban Châu Âu (EC) đã có thư gửi phái đoàn Việt Nam tại Liên minh Châu Âu thông báo từ ngày 15/7 sẽ bãi bỏ mức thuế chống bán phá giá, bình quân khoảng 34,5% mà cơ quan này áp dụng đối với xe đạp xuất khẩu của Việt Nam 5 năm qua.

Lệnh dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đã góp phần giúp doanh nghiệp ngành xe đạp Việt Nam vượt qua những khó khăn phải chịu trong suốt 5 năm qua dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải phá sản hoặc duy trì sản xuất cầm chừng.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Quốc Tạo, Chánh văn phòng Hiệp hội Xe đạp - xe máy xung quanh vấn đề này.

** Xin ông cho biết việc Ủy ban Châu Âu bãi bỏ mức thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt nam có tác động tích cực như thế nào đối với doanh nghiệp xe đạp Việt Nam?

- Việc Ủy ban Châu Âu áp mức thuế bán phá giá cao đối với các doanh nghiệp Việt Nam thực sự là bất hợp lý bởi các doanh nghiệp Việt Nam phải hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn phải luôn tự chủ trong sản xuất kinh doanh.

5 năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn.

Thông tin Uỷ ban châu Âu hủy bỏ thuế chống bán phá giá đã kích thích doanh nghiệp xây dựng kế hoạch khôi phục lại thị trường này.

** Ông có thể cho biết kế hoạch cụ thể của các doanh nghiệp?

- Theo tôi, giao đoạn từ cuối năm nay sang đến đầu năm sau, xuất khẩu vào thị trường châu Âu sẽ sáng sủa.

Việc phục hồi sản xuất của một doanh nghiệp xe đạp, xe máy cũng như ô tô nói chung, không phải một sớm một chiều là có thể khôi phục sản xuất ngay.

Bước đầu, các doanh nghiệp đang phải nắm lại thông tin của các nhà nhập khẩu châu Âu.

Ngành công nghiệp xe đạp không giống như các ngành gia công khác như dệt may hay da giày có thể tháng trước, tháng sau có thể vào ngay được thị trường mà đây là quá trình sản xuất lâu dài nên đòi hỏi cần có một thời gian.

Doanh nghiệp cần lắng nghe tình hình thị trường sau đó bố trí, khôi phục tổ chức lại kế hoạch, số lượng sản phẩm xuất khẩu vào EU.

** Thưa ông, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất xe đạp vẫn lo ngại, khi chưa biết EU sẽ áp mức giá nhập khẩu bao nhiêu, có phải là mức giá 10% như trước đây không. Vậy nếu áp thuế nhập khẩu cao hơn 10% thì hiệp hội và cơ quan quản lý khác sẽ có biện pháp hỗ trợ như thế nào?

- Bỏ mức thuế bán phá giá nhưng các thuế khác của EU vẫn cao, như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, hàng hoá của doanh nghiệp vào đến thị trường EU được các nhà nhập khẩu tăng giá thành lên từ 2 đến 2,5 lần. Do đó, việc cạnh tranh giá để vào thị trường này không phải đơn giản.

Hiệp hội không thể hỗ trợ về vật chất nhưng Hiệp hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin.

Hiệp hội sẽ có văn bản để thông báo để doanh nghiệp có kế hoạch điều phối khối lượng tổng lượng hàng hóa xuất vào thị trường này cho hợp lý tránh tình trạng ào ạt như trước đây.

** Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên