Hội nghị Som CLMV và Som ACMECS:

Tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế và khu vực đầy biến động khó lường, Hội nghị nhất trí cần thúc đẩy hợp tác ACMECS theo hướng hiệu quả và thực chất, cùng tận dụng cơ hội và đối phó với những thách thức mới

Sau hai ngày họp, Hội nghị quan chức cấp cao 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) và Hội nghị quan chức cấp cao của Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế giữa ba dòng sông là Ayeyaoady - Chaopraya - Mekong (ACMECS) đã kết thúc với sự nhất trí cao của các thành viên tham gia. Đây là những hội nghị chuẩn bị cho Hội nghị bộ trưởng ngoại giao và Hội nghị cấp cao CLMV và ACMECS diễn trong 2 ngày 6 và 7/11.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Xuân Hưng chủ trì 2 Hội nghị với sự tham dự của các đoàn quan chức cấp cao đến từ Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Hội nghị đã kiểm điểm tình hình hợp tác trong khuôn khổ CLMV và ACMECS, trong đó tập trung vào danh sách các dự án ưu tiên chung và song phương.

Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2003-2005 đã đề xuất 46 dự án hợp tác chung và khoảng 280 dự án song phương trong các lĩnh vực hợp tác của ACMECS gồm thương mại đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp - năng lượng, giao thông, công nghệ thông tin liên lạc, du lịch, phát triển nguồn nhân lực và y tế. Giai đoạn tiếp theo từ 2006-2008, chương trình hành động ACMECS đã thông qua danh mục 60 dự án chung và 251 dự án song phương. Các nước đã nhất trí 14 dự án ưu tiên trong đó Việt Nam có 3 dự án để vận động tài trợ của các đối tác phát triển ngoài ACMECS.

Kể từ khi tham gia ACMECS từ năm 2004, Việt Nam đã đề xuất và tham gia 47 dự án chung và song phương. Trong giai đoạn 2006-2008, Việt Nam đã đề xuất 9 dự án chung, tham gia 60 dự án song phương và có 4 dự án trong danh mục 14 dựa án ưu tiên kêu gọi tài trợ từ các đối tác phát triển.

Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng khẳng định trong cả hai cơ chế CLMV và ACMECS đều cần tăng cường sự hợp tác với các đối tác phát triển. Ông Hưng cũng khẳng định, cho đến nay, sau 2 Hội nghị quan chức cấp cao CLMV và ACMECS, công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp bộ trưởng và Hội nghị cấp cao CLMV và Hội nghị cấp cao ACMECS đã hoàn tất, và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế và khu vực đầy biến động khó lường, Hội nghị nhất trí cần thúc đẩy hợp tác ACMECS theo hướng hiệu quả và thực chất, cùng tận dụng cơ hội và đối phó với những thách thức mới, đồng thời thúc đẩy hội nhập kinh tế các nước thành viên ACMECS nói riêng và trong tiểu vùng Mekong nói chung. Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển mạng lưới giao thông tiểu vùng, Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết tạo thuận lợi về thủ tục và cơ chế, nhất là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với di chuyển của người và hàng hóa qua lại qua biên giới. Hội nghị cũng khuyến khích các hoạt động quảng bá xúc tiến về du lịch như việc triển khai sáng kiến “Năm quốc gia, Một điểm đến”, kết nối các di sản văn hóa và thiên nhiên giữa các nước thành viên. Các nước thành viên đánh giá cao việc Việt Nam và Thái Lan sẵn sàng ký kết Bản ghi nhớ về phát triển đào tạo nghề cho các nước ACMECS.

Hội nghị đã thảo luận và nhất trí chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 4 và Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ ba. Hội nghị cũng thống nhất những nội dung cơ bản của Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 4 và Hội nghị cấp cao ACMECS 3 và Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ACMECS về tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch và nhất trí kiến nghị lên Hội nghị Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo ACMECS thông qua tại Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 3 được tổ chức vào ngày 7/11./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên