Tín dụng đen bủa vây thôn, buôn: Ký ức kinh hoàng của người bị siết nợ
VOV.VN - Khát vốn nhưng khó tiếp cận khiến người dân thôn, buôn vùng dân tộc thiểu số Đắk Lắk sập bẫy tín dụng đen.
Tình trạng tín dụng đen len lỏi khắp các buôn làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về an ninh trật tự, gây bức xúc trong xã hội.
Với thủ đoạn đáp ứng cho vay tiền nhanh chóng, đơn giản, nhiều người dân đã sập bẫy tín dụng đen. Họ phải sống trong hoang mang, lo sợ, phải bỏ trốn khỏi nhà khi bị nhiều đối tượng đe dọa đòi nợ với khoản tiền lãi cắt cổ.
Chỉ cần chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bằng lái là người dân có thể dễ dàng được vay tiền. |
Chị H’Bhuốt Niê, sinh năm 1972, ở Buôn Phơng, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng khi gia đình chị bị nhóm xã hội đen đến nhà siết nợ. Chuyện bắt đầu từ tháng 7/2018 vì hoàn cảnh khó khăn, không có tiền nên chị đã mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đến một đại lý trên địa bàn thế chấp vay 10 triệu đồng mua phân bón chăm sóc cho vườn cà phê.
Tháng 11/2018, chị muốn lấy lại sổ đỏ nên đã nhờ một người quen trong buôn giới thiệu chỗ vay nóng bên ngoài. Người này nhờ chị H’bhuốt cho mượn chung sổ đỏ thêm 30 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng. Sau đó, chị được đưa lên thành phố Buôn Ma Thuột để gặp một nhóm người cho vay tiền.
Tin lời người quen, chị H’bhuốt đã điểm chỉ vào tờ giấy vay nợ mà không hề biết bên trong ghi những nội dung gì. Sau khi hoàn thành thủ tục vay nợ, toàn bộ số tiền đều được giao cho người quen trong buôn, còn chị thì tay trắng đi về.
3 tháng sau, vào tháng 3/2019, có hai người lạ mặt cầm theo giấy vay tiền có điểm chỉ dấu tay của chị H'bhuốt và yêu cầu gia đình phải trả 30 triệu đồng nợ gốc cùng 15 triệu đồng tiền lãi. Không có tiền trả, các đối tượng đe dọa và yêu cầu, nếu sau 1 tuần chị không có tiền trả nợ thì phải bán nhà, tài sản nếu không cả nhà sẽ bị giết. Vì quá sợ hãi, vợ chồng chị H’bhuốt đã bỏ trốn khỏi nhà, 3 đứa con nhỏ cũng phải bỏ học đi theo.
Gia đình bà Lại Mỹ Dung, ở buôn Niêng 3, xã Ea Nhuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cũng rơi vào hoàn cảnh có nhà mà không dám ở.
Bà Dung kể, đầu năm 2018, do cần vay tiền gấp để đưa chồng đi chữa bệnh, bà Dung đã được đối tượng H’Loan, người cùng buôn, cho vay 10 triệu với lãi suất 500.000 đồng/ngày.
Sau hơn một năm, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền bà Dung nợ H’Loan đã lên 80 triệu đồng. Không xoay được tiền trả nợ, bà Dung bị bà H’Loan cho người đến đe dọa rồi chiếm đoạt hết tài sản và bắt bà Dung phải ký vào giấy vay nợ với số tiền 100 triệu đồng thì chúng sẽ không đánh đập.
Bất đắc dĩ bà Dung phải ký vào giấy vay, và hiện đang rơi vào cảnh có nhà mà không dám ở vị sợ xã hội đen đến đòi nợ.
“Ông xã bệnh thì H’Loan có tạo điều kiện giúp cho tôi vay 10 triệu. Sau một thời gian chưa có điều kiện trả, nợ từ 10 triệu thành 80 triệu. Tôi nói xin trả góp thì con của H’Loan dẫn tên Tiến và tên Thông vào nhà tôi. Chúng cưỡng chế, lấy tay đè vào cổ của ông xã tôi nói là ông già rồi ông còn muốn sống vài năm nữa hay không? Hôm sau chúng đem xe tới chở quần, áo, ti vi, đầu máy, nói chung nhà có vật dụng gì là chúng lấy hết. Sau đó chúng khống chế hai vợ chồng viết giấy nợ cho chúng là 100 triệu đồng. Lúc đó vợ chồng tôi hoảng, nghĩ là thôi thì cứ viết cho nó, sau rồi tính”, bà Dung kể.
Những tờ quảng cáo chào mời cho vay tiền với thủ tục dễ dàng được dán khắp nơi. |
Không chỉ gia đình chị H’Bhuôt, bà Dung mà trong mấy năm gần đây ở rất nhiều buôn làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn hàng trăm người khác cũng đã từng sập bẫy của các nhóm tín dụng đen, bị chúng dồn đến nợ nần với lãi suất cắt cổ rồi khủng bố tinh thần, ép phải cầm cố giấy tờ nhà đất. Vụ việc chỉ được phát hiện khi các đối tượng xã hội đen đến nhà đòi nợ.
Chị Phạm Thị Bích Thúy, Chủ tịch hội phụ nữ xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, tại xã Hòa Phú cũng có nhiều gia đình liên quan đến tín dụng đen, nhưng địa phương cũng chỉ nắm được thông tin của một vài trường hợp.
“Hiện nay xã có 5 người trốn đi đều có dính líu tới tín dụng đen. Sự việc chỉ phát hiện được khi tín dụng đen đến mấy nhà đó đánh, dồn ép bắt trả. Tín dụng đen rất kín, vợ vay thì chồng, con không biết, con vay thì cha mẹ không biết đến khi họ vào đòi mới biết vấn đề này xảy ra”, chị Thúy cho hay.
Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ tháng 8/2018 đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 41 cơ sở, 51 nhóm với 214 đối tượng (trong đó có 29 đối tượng hoạt động đơn lẻ) liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Ngoài đối tượng ở địa phương còn có các băng nhóm từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc đến Đắk Lắk câu kết cùng những đối tượng có tiền án, tiền sự cùng hoạt động.
Các đối tượng thường núp bóng doanh nghiệp, công ty tư vấn tài chính, cho thuê ô tô, xe máy, cầm đồ... để quảng cáo, phát tờ rơi, gọi điện trực tiếp cho người muốn vay tiền với lời chào mời về thủ tục vay đơn giản, không phải thế chấp mà chỉ cần chứng minh thư nhân dân, số điện thoại.
Để lách luật, các đối tượng thường không thể hiện rõ lãi suất trong hợp đồng; thường xuyên thay đổi địa điểm, nơi cư trú, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, điều tra.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quý, từ tín dụng đen đã nảy sinh nhiều hình thức vi phạm pháp luật khác như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, tệ nạn xã hội…
Mặc dù Công an tỉnh Đắk Lắk đã đấu tranh phá hàng chục nhóm, hàng trăm đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen, đơn vị cũng đã củng cố hồ sơ, tài liệu chứng cứ nhưng vẫn chưa đủ pháp lý để xử lý hình sự với đối tượng nào.
“Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mức hình phạt cao nhất với hành vi này là 3 năm tù giam. Đây là tội phạm ít nghiêm trọng, mà theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay thì cơ quan điều tra chỉ được áp dụng biện pháp ngăn chặn từ tội nghiêm trọng trở lên, chứ tội ít nghiêm trọng chúng tôi có đề nghị bắt tạm giam thì Viện kiểm sát cũng không phê chuẩn. Nếu chỉ cho vay lãi nặng thì không thể bắt giam được. Tuy nhiên, nếu không khởi tố được, thì sức răn đe kém và không tạo được sự đồng thuận của nhân dân”, Thượng tá Nguyễn Văn Quý cho hay.
Hoạt động tín dụng đen đã gây ra nhiều hệ lụy xấu đối với đời sống xã hội. Thiết nghĩ, cùng với việc điều chỉnh các quy định của pháp luật về mức hình phạt trong lĩnh vực tín dụng đen thì một trong những giải pháp quan trọng để đẩy lùi nạn tín dụng đen là phải giải quyết tận gốc vấn đề “khát vốn” của người dân; tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân là một cách hữu hiệu để giảm tín dụng đen./. Kinh tế 24h: Sẽ đấu tranh quyết liệt với “tín dụng đen”
Thủ tướng chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với “tín dụng đen”