“Tín dụng đen” phải được kiểm soát bằng pháp luật
VOV.VN - Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, tín dụng đen cần phải được kiểm soát
bằng pháp luật, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản như quy
định mức lãi suất cho vay trong Bộ Luật dân sự sửa đổi.
bằng pháp luật, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản như quy
định mức lãi suất cho vay trong Bộ Luật dân sự sửa đổi.
Nghe nội dung chương trình:
“Tín dụng đen" dùng để chỉ các dạng hoạt động tín dụng dân sự không qua hệ thống ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng chính thức nào, không đăng ký kinh doanh, cũng như chưa được cấp phép, không tuân thủ và cũng không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào. Hình thức giao dịch này không chỉ gây bất ổn về an ninh trật tự, thiệt hại mạng người mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội vì “tín dụng đen" có hình thức đa dạng, với quy mô, hệ quả ngày càng khó lường.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 141 vụ lừa đảo, 125 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến “tín dụng đen”. Chính vì đánh vào lòng tham của người dân về lãi suất cao ngất ngưởng đã khiến không ít người trút toàn bộ vốn liếng, tài sản cho vay, và huy động của người khác để cho vay nặng lãi nhằm kiếm lời chênh lệch, dẫn đến những hậu quả dây chuyền.
Ảnh minh họa: Internet |
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhu cầu vay vốn làm ăn tăng cao song không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận. Do vậy, người dân sẵn sàng bấu víu vào “tín dụng đen” bất chấp những rủi ro tài chính không kiểm soát. Những mặt trái của “tín dụng đen”, đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần có biện pháp điều chỉnh bằng pháp luật.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu đoàn Quảng Bình nêu ý kiến: “Trong quá trình thực hiện tín dụng cho vay giữa 2 người cùng thỏa thuận cho vay thì cái này pháp luật không cấm. Do lợi dụng điều này mà nhiều người phạm pháp như việc lừa đảo, vỡ hụi, lúc này là phạm pháp rồi nhưng mà công an cũng không có quyền can thiệp và bây giờ Luật tố tụng hình sự cũng không xử lý chuyện tôi cho anh vay cả tỷ, có giấy tờ chứng minh nhưng anh lừa đảo không trả thì tôi cũng phải chịu. Do vậy tôi kiến nghị là việc này phải đem vào luật để kiểm soát, để quy định xử lý. Tôi kiến nghị là phải đưa vào luật hình sự một điều, trường hợp vay của người khác có giấy tờ chứng minh mà không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Chính vì hiện nay những quy định của pháp luật còn lỏng lẻo và chưa đủ sức răn đe nên tình trạng lừa đảo từ tín dụng đen ngày càng gia tăng và hoạt động cho vay nặng lãi rất ngang nhiên.
Bộ luật Hình sự hiện hành mới chỉ có 1 điều duy nhất (Điều 163) quy định hành vi cho vay lãi nặng nhưng phải thỏa mãn cả 2 yếu tố: Lãi suất gấp 10 lần lãi suất cao nhất và có tính chất chuyên bóc lột (sống bằng nghề cho vay nặng lãi và dùng nhiều thủ đoạn ép buộc cho vay và trả nợ). Trong khi đó, điều này không dễ dàng chứng minh và xác định nên đã gây không ít khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình điều tra, xử lý.
Các đại biểu cho rằng một trong những giải pháp quan trọng để điều tiết các hoạt động cho vay trong giao dịch dân sự là quy định trần lãi suất cho vay. Trong 10 năm qua, Bộ Luật dân sự có hiệu lực thi hành có quy định tại Khoản 1, Điều 476: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố". Điều này đã thể hiện sự bất cập vì thực tế các mức lãi suất trên thị trường đã vượt xa mức quy định này.
Ông Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội TP.HCM |
Để khắc phục bất cập đó, dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi có đề xuất sửa đổi về lãi suất cho vay tại điều 483. Ông Trần Du Lịch, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Điều 483 dự thảo mới đó đã sửa đổi mềm hơn nhiều so với quy định hiện hành, là quy định lãi suất trong dân sự là thỏa thuận, lãi suất cho vay là bằng 200% lãi suất cơ bản, tức là bằng 2 lần, nhưng quy định này không áp dụng đối với các tổ chức tín dụng”.
Ý kiến nhiều đại biểu cho rằng Bộ luật dân sự cần phải sửa đổi theo hướng vẫn quy định về mức lãi suất cho vay khi người dân vay tiền ngoài hệ thống tín dụng. Để phù hợp với thực tế hiện nay trên thị trường, lãi suất vay cao hơn rất nhiều so với quy định Luật hiện hành thì các đại biểu đề nghị xem xét nâng mức giới hạn lãi suất vay theo hướng do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 2 lần lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Điều này sẽ hạn chế được tình trạng người dân phải vay nặng lãi khi vay tiền ngoài hệ thống tín dụng. Ông Bùi Đức Thụ, Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội nói: “Trong tình hình Việt Nam hiện nay, tình trạng cho vay nặng lãi rất phổ biến gây bất ổn xã hội. Do vậy cần phải quy định được cái trần lãi suất cho vay cũng là hợp lý. Tự do lãi suất ở đây là có tự do trong khuôn khổ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc nâng trần lãi suất từ 150% lên 200% cơ bản trong Bộ luật dân sự sửa đổi là hợp lý. Xét cả ở khía cạnh tiềm ẩn nguy cơ lạm phát còn rất lớn của nền kinh tế thì việc nâng trần lãi suất này cũng phù hợp”.
Việc tìm một cơ sở để xác định trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự với mục đích hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và khắc phục bất cập trong quy định về lãi suất cho vay là một trong những nội dung đang được các đại biểu quan tâm trong sửa đổi Bộ Luật dân sự lần này.
Trong khi chờ những quy định của luật pháp, các đại biểu cho rằng người dân cần phải cảnh giác với các đầu mối “tín dụng đen”, không vì lòng tham để có tiền trả lãi cao gấp nhiều lần so với lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định. Người dân có vốn dư thừa nên gửi vào quỹ tín dụng và ngân hàng, cần nguồn vốn kinh doanh cũng nên qua ngân hàng. Không nên ủy quyền tài sản cho người khác quản lý, trong trường hợp phải giao dịch tài chính bên ngoài, cần lập hợp đồng chặt chẽ về pháp lý./.