Tọa đàm về 20 năm vận hành đường dây 500 kV Bắc-Nam
VOV.VN - Từ khi hoạt động, hệ thống đường dây 500kV mạch 1 đã đảm bảo đủ điện cho miền Trung và hơn 50% nhu cầu điện của miền Nam.
Ngày 25/4, tại Thành phố Đà Nẵng, Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia tổ chức chương trình tọa đàm “20 năm đóng điện và vận hành đường dây 500 kV Bắc – Nam”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, từ khi đi vào hoạt động, hệ thống đường dây 500kV mạch 1 không chỉ đảm bảo đủ điện cho miền Trung và cung cấp tới hơn 50% nhu cầu điện cho miền Nam phát triển kinh tế và đời sống.
Một phần tuyến đường dây 500kV Bắc-Nam |
Đây còn là công trình có hiệu quả đầu tư nhanh nhất, với tính toán trung bình mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện miền Trung và miền Nam khoảng 2 tỷ kWh, thay vì phải chạy điện cung cấp tại thời điểm đó bằng dầu diezel thì chỉ sau 3 năm công trình đã thu hồi được hơn 6.000 tỷ đồng tiền vốn đầu tư (khoảng 500 triệu USD).
Theo Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, đây là công trình có hiệu quả đầu tư nhanh nhất, đường dây 500kV đã phát huy hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ chuyển tải ngược một lượng điện năng lớn ra miền Bắc, đặc biệt vào các thời điểm khô kiệt, hạn hán.
“Đây là công trình điện lực lớn và có thời gian thu hồi vốn nhanh nhất, có hiệu quả kinh tế lớn, đã giải quyết được vấn đề thiếu điện”, ông Trần Đình Long cho biết.
Công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 là công trình đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam, có tổng chiều dài gần 1.500km, kéo dài từ Hòa Bình đến thành phố Hồ Chí Minh, được cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công phần đường dây vào ngày 05/4/1992 và khởi công phần trạm biếp áp vào ngày 21/01/1993 tại trạm biến áp Phú Lâm, thành phố Hồ Chí Minh./.