Tôm Việt Nam bị kiện chống trợ cấp ở Hoa Kỳ
(VOV) -Sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam hiện cũng đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá kể từ năm 2004
Theo Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), ngày 28/12/2012, Liên minh các nhà chế biến tôm của Hoa Kỳ (nguyên đơn) đã đệ đơn kiện lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) yêu cầu điều tra áp thuế chống trợ cấp (CVD) và đệ đơn lên Ủy ban Thương mại quốc Hoa Kỳ (ITC) yêu cầu điều tra về thiệt hại liên quan đến mặt hàng “tôm nước ấm đông lạnh” nhập khẩu từ 7 quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Vụ kiện chống trợ cấp được nước nhập khẩu tiến hành đối với một loại hàng hoá nhập khẩu từ các nước khác khi có những nghi ngờ rằng hàng hoá xuất khẩu được nhận những khoản trợ cấp trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và gây thiệt hại cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu.
Đây là vụ việc cáo buộc trợ cấp thứ tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam kể từ năm 2009 (sau túi nhựa P.E; ống thép hàn các-bon và mắc áo thép). Tuy nhiên, đối với Việt Nam, đây là vụ việc cáo buộc trợ cấp đầu tiên đối với sản phẩm nông nghiệp.
Trong vụ việc chống trợ cấp, bên cạnh các bị đơn là doanh nghiệp thì Chính phủ nước bị điều tra cũng là một bên của vụ việc vì vậy cũng phải tham gia trả lời bảng câu hỏi điều tra do cơ quan điều tra gửi và tham gia trong giai đoạn thẩm tra tại chỗ.
Sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam hiện cũng đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá kể từ năm 2004 (dự kiến cuối tháng 1/2013 sẽ bước vào giai đoạn rà soát hành chính thứ 9 – POR9).
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 11 tháng đầu năm 2012, Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai nhập khẩu tôm của Việt Nam, sau Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong giai đoạn này đạt trên 425,4 triệu đô la Mỹ, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Theo trình tự thủ tục DOC sẽ có 20 ngày (kể từ ngày nhận đơn kiện) để xem xét, đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra vụ việc hay không.
Theo pháp luật chống trợ cấp của Hoa Kỳ, DOC và Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ (ITC) là hai cơ quan điều tra vụ việc với vai trò khác nhau. DOC sẽ điều tra xác định biên độ trợ cấp còn ITC sẽ điều tra xác định thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ. Nếu một trong hai cơ quan ra quyết định phủ nhận tồn tại trợ cấp hoặc thiệt hại, cuộc điều tra sẽ được hủy bỏ.
Ngày 02 tháng 01 năm 2013, ITC đã ban hành bản câu hỏi dành cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Thời hạn để các doanh nghiệp xuất khẩu hoàn thành bản trả lời và gửi trực tiếp cho ITC là trước ngày 11/1/2013./.