Tôn vinh 53 doanh nghiệp dệt may tiêu biểu

VOV.VN - 53 doanh nghiệp tiêu biểu, trong đó có Cty May Việt Tiến và Dệt kim Đông Xuân sẽ được tôn vinh vào tối 24/3, tại Hà Nội.

Lễ trao giải Doanh nghiệp tiêu biểu ngành Dệt May lần thứ 8 sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 24/3. Theo đó, 53 doanh nghiệp tiêu biểu sẽ được trao giải nhân dịp này gồm: 2 doanh nghiệp tiêu biểu nhất ngành dệt may (Tổng công ty CP May Việt Tiến - DN tiêu biểu nhất trong 10 năm liên tục từ 2004 - 2013) và Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân), 13 DN tiêu biểu toàn diện và 38 DN tiêu biểu từng mặt.

Tại cuộc họp báo diễn ra sáng nay (20/3), ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho rằng: Giải thưởng tiêu biểu ngành Dệt May đã tạo nên phong trào thi đua rất mạnh giữa các doanh nghiệp. Chính từ giải thưởng đó đã hình thành nên cuộc thi đua, các mô hình sản xuất mới.

Ông Lê Tiến Trường khẳng định: “Đến giờ phút này, ngành May Việt Nam là ngành hiếm hoi trên thế giới có thể áp dụng Lin (năng suất cao, cuộc sống người lao động được cải thiện và hiệu quả kinh tế cao). Giải thưởng doanh nghiệp Dệt May tiêu biểu luôn luôn tập trung vào việc tìm ra doanh nghiệp tốt và bền vững, tiêu biểu một cách bền vững chứ không phải tăng trưởng nóng”.

Nhìn lại các lần trao giải trước, ông Lê Tiến Trường nêu rõ: những gương mặt tiêu biểu của chúng tôi trong 10 năm qua phát triển lành mạnh và kinh doanh tốt. “Đối với ngành Dệt May Việt Nam, giải thưởng này có giá trị trong việc giáo dục, định hướng doanh nghiệp có trách nhiệm tốt với thị trường, khách hàng và đặc biệt có trách nhiệm với người lao động và địa phương, xã hội - nơi doanh nghiệp tham gia đầu tư”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.


Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi “Liệu ngành Dệt May có gặp khó khăn cạnh tranh trên thị trường hay không?”, ông  Lê Tiến Trường khẳng định: Ngành Dệt May vẫn nằm trong xu thế là ngành phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Đấy là yếu tố thuận lợi khách quan so với các ngành khác. Ngành Dệt May Việt Nam không gặp khó khăn trên thị trường nếu có năng lực cạnh tranh tốt.

Theo ông Trường, chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2014, xuất khẩu dệt may đạt 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2013 đạt tăng trưởng cao, tăng 18% so với năm 2012. Trong khi cả thị trường thế giới năm nào cũng trung bình cỡ 700 tỷ và Nhật Bản luôn luôn xấp xỉ 38 đến 39 tỷ quần áo nhập khẩu trong 1 năm thì Việt Nam vẫn tăng cao do sự hội nhập và tính chất vĩ mô cũng như năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và ngành mang lại./.

“Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia giải thưởng Doanh nghiệp Dệt May tiêu biểu chủ yếu là những doanh nghiệp trong nước vì các DN nước ngoài chưa phải là thành viên của Hiệp hội mà chỉ là thành viên liên kết. Các bảng tiêu chí của Hiệp hội Dệt May Việt Nam đưa ra chỉ phù hợp với các doanh nghiệp trong nước”- ông Lê Tiến Trường. 
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên