TP HCM cần tái cấu trúc nền kinh tế

TP HCM còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: chất lượng tăng trưởng thấp, sử dụng các nguồn lực chưa hiệu quả, hiệu quả đầu tư thấp…

Sáng 25/4, tại TP HCM, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố tổ chức Hội thảo về tái cấu trúc nền kinh tế Thành phố nhằm làm rõ quan điểm và nội dung của tái cấu trúc nền kinh tế trong điều kiện hội nhập và hậu khủng hoảng, tạo cơ sở vững chắc cho định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Những năm qua, kinh tế TP HCM vẫn còn mang tính tự phát

Nhận định về mô hình tăng trưởng kinh tế của TP HCM, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng: Trong những năm qua, mặc dù nền kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh hơn so với cả nước nhưng phát triển vẫn còn mang tính tự phát, tăng trưởng theo chiều rộng, chất lượng chưa cao. Kinh tế thành phố còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: chất lượng tăng trưởng thấp, sử dụng các nguồn lực chưa hiệu quả, hiệu quả đầu tư thấp, với những ngành có giá trị gia tăng cao mặc dù thành phố khuyến khích, nhưng doanh nghiệp chưa đáp ứng vì năng lực còn yếu…

Chính những điều này đặt ra vấn đề phải tái cấu trúc nền kinh tế TP HCM, đồng thời phải có những biện pháp quyết liệt và triệt để để thực hiện tái cấu trúc kinh tế. Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đã tập trung đề xuất hệ thống các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế thành phố. Trong đó dựa trên quan điểm xác định khu vực dịch vụ đóng vai trò đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

Đồng thời tái cấu trúc kinh tế thành phố gắn kết với tái cấu trúc của nền kinh tế cả nước, trong đó TP HCM, tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng của cả nước và là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tham dự hội thảo, ông Chu Tiến Dũng- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công viên Phần mềm Quang Trung cho biết: “Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố tái cấu trúc lại nền kinh tế thành phố theo mô hình đẩy mạnh giá trị tăng trưởng thì ngành công nghệ thông tin cũng được xác định trong 4 ngành và 9 lĩnh vực dịch vụ được ưu tiên trong đầu tư và phát triển. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cần có chính sách tốt để có trình độ quản lý, thu hút đội ngũ Việt kiều đến làm việc để tạo ra cơ hội cho những người còn lại”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên