TP.HCM hướng đến phát triển đường sắt kết nối vùng
VOV.VN - Việc đầu tư cho hệ thống giao thông TP.HCM không phải là để phục vụ cho riêng thành phố mà là cho vùng, cho khu vực và cả liên kết quốc tế.
TP.HCM hiện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, không chỉ thể hiện ở việc gia tăng dân số mà cả ở tiến trình cơ giới hóa, tăng trưởng kinh tế và những thay đổi trong lối sống của người dân. Do đó, cần nghiên cứu đánh giá quy hoạch, rà soát tổng thể hiện trạng mạng lưới giao thông thành phố (đường bộ, đường sắt, đường thủy).
Trong bối cảnh việc đầu tư cho đường bộ còn thấp và dần có những khiếm khuyết, các chuyên gia đề xuất trong quy hoạch mới, TP.HCM cần nghiên cứu, tính toán phát triển mạnh mẽ hệ thống đường sắt kết nối vùng, gắn với mô hình TOD (định hướng giao thông công cộng nhanh sức chở lớn).
Nhu cầu lớn, nguồn vốn hạn chế
Giao thông vận tải TP.HCM gắn bó mật thiết với các địa phương xung quanh và cả nước. Cụ thể, thành phố kết nối với các địa phương bằng 4 tuyến quốc lộ, 6 tuyến đường sắt quốc gia, 6 tuyến cao tốc...Hiện nay, nhu cầu phát triển hệ thống giao thông của thành phố rất lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách thành phố hay ngân sách Trung ương hỗ trợ thì không đủ và sẽ kéo dài rất lâu, làm chậm đi sự phát triển.
Do đó, theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, việc tìm kiếm các mô hình, cơ chế tài chính là rất quan trọng. “Dự án BOT trong giao thông bao giờ cũng rất khó khăn, BOT chỉ ở trục lớn đô thị và không được làm trên đường cũ. Như vậy đối với loại hình, phương thức đầu tư ngoài ngân sách hiện nay rất hạn chế; cho nên cùng với việc nghiên cứu quy hoạch, cơ chế được thực hiện quy hoạch là gì cần phải có những phương thức đầu tư”, ông Lâm cho biết.
Theo các chuyên gia, TP.HCM cần tính đến các loại hình khác thay vì tập trung phát triển và mở rộng giao thông đường bộ. Việc thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và chưa tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của thành phố. Trong khi thành phố không thiếu các loại hình giao thông khác như đường thủy, đường sắt và đường hàng không…
Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng, giao thông là mạch máu của đô thị, nên phải phát triển trước, hình thành cấu trúc đô thị. Trong định hướng cần phải có sự phối hợp của lãnh đạo các tỉnh thành trong vùng để quyết định hệ thống vận chuyển chung gồm đi lại và vận chuyển hàng hoá. Đặc biệt, cần phải nhìn nhận việc đầu tư cho hệ thống giao thông TP.HCM không phải là để phục vụ cho riêng thành phố mà là cho vùng, cho khu vực và cả liên kết quốc tế.
“Đầu mối giao thông và phương tiện vận chuyển từ TP.HCM đến các vùng rất quan trọng để quyết định các vùng lãnh thổ. Chúng ta không thể nào phát triển một lãnh thổ mình mà phải biết người bạn, những người anh em xung quanh cùng nắm tay nhau, cùng liên kết lại để đi lên, nếu chỉ biết mình sẽ không thể nào phát triển được”, KTS Khương Văn Mười nói.
Lấy đường sắt làm nền tảng theo mô hình TOD
Đầu mối giao thông ở TP.HCM đi các tỉnh và từ vùng TP.HCM đi các vùng khác rất quan trọng. Trong đó, đường thuỷ đỡ tốn kém nhưng ảnh hưởng thời gian, số lượng. Tuy nhiên, đây sẽ là loại hình để chia lửa trong vận chuyển hàng hoá bởi thuận lợi là kết nối được hầu hết các tỉnh, thành… Còn lại, cần phải phát triển khai thác đẩy mạnh metro và đi theo các tuyến đường sắt liên tỉnh, đẩy mạnh phát triển theo hướng TOD và hệ thống vận chuyển phương tiện nhỏ để gom người, nhất là ở các khu vực ngoại thành…
Theo tính toán của các chuyên gia trường Đại học Việt Đức, loại hình đường sắt đô thị đang đem lại một ưu thế mới là đúng giờ, tiết kiệm năng lượng, không gian, chuyên chở nhanh với khối lượng lớn. Để phát triển đường sắt đô thị một cách hiệu quả phải phát triển đô thị xung quanh nó, phải có sự vun vén nó nhìn từ góc độ đô thị.
Hiện TP.HCM đang đối mặt với thách thức thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng và cũng chưa có quy hoạch, thiết kế đô thị phù hợp với quan điểm phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải, Đại học Việt Đức đánh giá, nên chọn phương thức nào đấy hiệu quả về mặt không gian, hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả về sử dụng hiệu quả năng lượng đáp ứng nhu cầu lớn, đúng giờ, an toàn thì đường sắt đô thị đáp ứng yêu cầu đất. “Nhưng để phát triển đường sắt đô thị một cách hiệu quả phải phát triển đô thị xung quanh, phải có sự vun vén cho nó từ góc độ quy hoạch đô thị. Ngoài ra là mô hình tài chính phải được triển khai nếu không rất khó”, TS. Vũ Anh Tuấn nhìn nhận.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Phạm Xuân Mai, thành viên Hội đồng cố vấn giao thông cho TP.HCM cho rằng, cần nhìn rộng ra giao thông TP.HCM mang tính giao thông vùng. Bao gồm TP.HCM và 7 tỉnh xung quanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách đây 10 năm. Trong bối cảnh hiện nay, nên dùng giao thông đường sắt làm chủ lực cho giao thông vùng. Bởi càng phát triển, đường bộ càng tắc nghẽn khi phải trở thành con đường chủ đạo vận chuyển hàng hóa với khối lượng 100 triệu tấn/năm.
“Trong vùng bán kính 120- 200 km trở lại không nghĩ đến hàng không, trong khi đường thủy không có khả năng đi sâu vào nội địa. Chính vì thế, hệ thống giao thông vùng chủ yếu là đường bộ, đường sắt và đường sắt là chủ lực. Đường sắt sẽ dùng 2 hệ thống tàu song hành gồm tàu tốc hành chở khách và tàu trung chuyển hàng. Nếu làm điều này sẽ giải quyết được rất nhiều các vấn đề về giao thông vùng, giảm tai nạn giao thông, tăng hiệu quả kinh tế, giảm chi phí và tăng được toàn bộ sự luân chuyển về kinh tế xã hội trong toàn vùng”, PGS.TS. Phạm Xuân Mai quả quyết.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng khẳng định, TP.HCM sẽ tiến hành rà soát các lĩnh vực, trong đó giao thông được xác định là đi trước mở đường. Giao thông thành phố cần phải nhìn rộng ra các tỉnh, thành lân cận, kết nối quốc gia, quốc tế và trong thời gian tới, quy hoạch cần phải nhìn ở góc độ như thế. Muốn làm được, cần phải nghiên cứu đề xuất thêm về mặt thể chế, từ đó mạnh dạn đề xuất các mục tiêu, công trình lớn hơn. TP.HCM trong tư duy luôn đặt vấn đề liên kết vùng mở ra không gian phát triển cho TP.HCM để tiếp tục phát triển, làm đầu tàu phát triển cả nước.
“Nhìn từ góc độ lợi ích của TP.HCM cho thấy thành phố buộc phải liên kết phải mở rộng với các tỉnh thành lân cận. Muốn kết nối được giao thông thông suốt cần phải kết nối trong tư duy, kết nối trong suy nghĩ và tình cảm nếu không sẽ bị tắc nghẽn ngay từ ý tưởng và giao thông cũng không kết nối được”, ông Phan Văn Mãi nêu rõ.
Hiện nay, UBND TP.HCM đang hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến 2040 và tầm nhìn đến 2060. Do đó, các nội dung về quy hoạch giao thông vận tải cần được khẩn trương nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, quy mô và tầm nhìn phát triển của TP trong thời gian tới. Để phù hợp với các đồ án quy hoạch ngành quốc gia vừa được Thủ tướng phê duyệt, rất cần có một quy hoạch mới đủ sức tháo gỡ các điểm nghẽn để mở rộng liên kết vùng, phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu, giúp vùng và cả nước cất cánh./.