TP.HCM: Kịch bản nào cho doanh nghiệp đón Tết?

VOV.VN - Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, tình hình tiêu thụ hàng hóa nông sản dù đã có điểm sáng nhưng chưa thực sự rõ ràng, khiến kế hoạch về đợt cao điểm hàng hóa Tết của nông dân, doanh nghiệp gặp khó khăn.

Kịch bản cho doanh nghiệp đón Tết  đang được TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam dự liệu, với kỳ vọng có những khởi sắc ngay đầu năm mới 2022.

Mở rộng thị trường, đẩy mạnh chế biến sâu

Mọi năm, đây là thời điểm nhà nhà, người người bắt đầu tranh thủ mua sắm đón Tết. Nhưng năm nay, do dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng, điều phối ra sao cho phù hợp nhu cầu thị trường, bởi sức bật của thị trường Tết năm nay mang tính quyết định đối với nhiều doanh nghiệp sau 2 năm cầm cự vì dịch bệnh. Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết, kế hoạch tiêu thụ hàng của nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn khi nông sản đang ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc.

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc kiểm soát nông sản nhập khẩu khá gắt gao của Trung Quốc khiến một số loại nông sản của Việt Nam sẽ không xuất được sang Trung Quốc ít nhất trong 4 tuần tới. Đáng ngại hơn, tình trạng này có thể kéo dài tới sang năm. Trong khi đó hơn 55% lượng hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường này.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit; Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao, ngay trước thềm năm mới, nhiều doanh nghiệp chế biến sâu đang gặp tình trạng quá tải trong sản xuất. Nghịch lý là không phải do nhu cầu tăng đột biến mà do dịch bệnh nên rất nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy sản xuất, biến động về nhân lực lẫn chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu trong và ngoài nước.

Vì thế, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất phải linh động ứng phó, lập kế hoạch theo từng tuần, từng tháng so với trước đây là theo từng năm. Để bớt lệ thuộc vào một thị trường, giảm rủi ro, nhà sản xuất, nông dân đã dần chuyển đổi, tập trung nhiều hơn vào khâu chế biến sâu, sấy khô… thay vì trồng và xuất hàng tươi như hiện nay. Việc này vừa giúp nâng cao giá trị nông sản, vừa đảm bảo được khâu bảo quản, đi được nhiều thị trường xa hơn như châu Âu, Mỹ.

“Tôi vẫn cho rằng bảo tồn lực lượng để chuẩn bị cho chiến lược mới là công tác cần phải làm. Phải củng cố và tái cấu trúc để ứng phó, bởi chúng ta không còn ứng phó một năm mà phải có thói quen ứng phó từng ngày, từng tuần. Qua đợt dịch này, các doanh nghiệp buộc phải linh hoạt hơn rất là nhiều” - ông Nguyễn Lâm Viên nói.

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dự báo nguồn cung nông sản, thực phẩm tăng mạnh. Mặc dù nhu cầu trong nước tăng từ 15 - 20% tùy từng sản phẩm, nhưng khả năng tiêu thụ hết lượng sản phẩm với mức giá cao cũng không dễ dàng do vụ thu hoạch tập trung vào một thời gian ngắn, trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang gặp rất nhiều trở ngại.

Ngoài duy trì một số thị trường đã có hợp đồng ổn định như Mỹ, EU, Nhật Bản… trước thềm năm mới 2022, các phương án cung ứng đang được thay đổi qua việc gia tăng liên kết giữa những doanh nghiệp TP.HCM với các đầu mối cung cấp ở khu vực phía Nam. Trong đó, trên 2.000 doanh nghiệp nông nghiệp ở TP.HCM tập trung phương án tiêu thụ hàng hóa tại các tỉnh thành lân cận.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T – Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội sản phẩm nông nghiệp sạch TP.HCM cho biết: “Mặc dù khu vực TP.HCM nhu cầu lúc nào cũng cao, là nơi tiếp nhận tất cả hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Chúng ta phải xây dựng hệ thống cung ứng bài bản, chứ không làm nhỏ lẻ nữa. Liên kết tất cả doanh nghiệp lại cùng nhau khơi thông thì chúng ta mới dự liệu được nhu cầu sản phẩm như thế nào, phải có thực tế để sản xuất theo đúng với nhu cầu đó”.

Khơi thông dòng chảy hàng hóa

Một số doanh nghiệp tại TP.HCM, các nhà sản xuất đang khẩn trương phân tích và đánh gia nhu cầu của thị trường thành phố để có phương án sản xuất, điều tiết nguồn hàng phù hợp. Trải qua 1 năm đầy khó khăn và biến động, ngành nông nghiệp TP.HCM cũng đã phê duyệt 19 phương án cho 20 doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ lãi vay, với tổng vốn 31,3 tỷ đồng. Dù thấp hơn so với cùng kỳ, song cũng giúp nhiều doanh nghiệp, HTX có động lực cân đối lại hoạt động sản xuất ngay trước thềm năm mới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, chuẩn bị kỹ lưỡng cho đợt cao điểm hàng Tết chính là tiền đề để ổn định hoạt động sản xuất nông nghiệp cho cả năm 2022. Do đó, ngoài việc thực hiện các giải pháp bảo đảm hoạt động không bị đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp, các đơn vị đang rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sản xuất vụ tiếp theo.

Đến thời điểm này, các ngành nông nghiệp và công thương TP.HCM vẫn bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống. Đồng thời tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm; dự trù khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông, thủy sản và các mặt hàng thiết yếu.

Để việc khơi thông dòng chảy hàng hóa, tiêu thụ hiệu quả, theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, việc đánh giá nhu cầu và thị trường, sức mua thị trường nội địa và TP.HCM là rất quan trọng. Trước xu hướng chuyển mua sắm trực tiếp sang mua trực tuyến để tránh tập trung đông người, ông Đinh Minh Hiệp khuyến cáo các nhà sản xuất cần phối hợp với các ngành chức năng, nắm thông tin thị trường nông sản để kịp thời chủ động nguồn cung theo từng thời điểm.

“Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp, HTX nông nghiệp ưu tiên nghiên cứu, phát triển tiêu thụ các sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử và các kênh mua sắm online để làm sao đảm bảo nhu cầu mua bán theo hình thức trực tuyến. Đặc biệt là doanh nghiệp cần lưu ý chi phí lưu thông, lưu kho và bảo quản để phù hợp với tình hình thích ứng an toàn phòng chống dịch COVID-19” - ông Đinh Minh Hiệp nói.

Trải qua đợt dịch bệnh kéo dài với nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để vượt qua, đóng góp nguồn lực quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp TP.HCM và khu vực phía Nam. Mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2022 tăng GRDP và giá trị sản xuất từ 5,8 - 6% chính là động lực để ngành nông nghiệp, cũng như doanh nghiệp, nhà sản xuất TP.HCM linh hoạt hơn trước bối cảnh thị trường khó cả trong lẫn ngoài.

Sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp ở TP.HCM và các địa phương lân cận với những dự liệu rõ ràng chính là những tín hiệu lạc quan, hứa hẹn sự ổn định và khởi sắc của thị trường nông sản khi bước vào đầu năm mới ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đà Nẵng dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán
Đà Nẵng dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán

VOV.VN - Để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hoá dịp cuối năm, hiện 19 đơn vị, doanh nghiệp, siêu thị và hàng trăm hộ kinh doanh tại 4 chợ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cam kết dự trữ hàng hoá với tổng trị giá 1.900 tỷ đồng.

Đà Nẵng dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán

Đà Nẵng dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán

VOV.VN - Để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hoá dịp cuối năm, hiện 19 đơn vị, doanh nghiệp, siêu thị và hàng trăm hộ kinh doanh tại 4 chợ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cam kết dự trữ hàng hoá với tổng trị giá 1.900 tỷ đồng.

TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí trung gian cho hàng hóa Tết
TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí trung gian cho hàng hóa Tết

VOV.VN - Sở Công thương TP.HCM vừa triển khai kế hoạch cung ứng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Tết Nhâm dần 2022 với 80 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.

TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí trung gian cho hàng hóa Tết

TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí trung gian cho hàng hóa Tết

VOV.VN - Sở Công thương TP.HCM vừa triển khai kế hoạch cung ứng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Tết Nhâm dần 2022 với 80 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.

Hà Nội chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2022 khoảng 39.000 tỷ đồng
Hà Nội chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2022 khoảng 39.000 tỷ đồng

VOV.VN - Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết 2022 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021.

Hà Nội chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2022 khoảng 39.000 tỷ đồng

Hà Nội chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2022 khoảng 39.000 tỷ đồng

VOV.VN - Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết 2022 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021.