TP.HCM nỗ lực giải ngân 8.000 tỷ đồng mỗi tháng
VOV.VN - Năm 2024 TP.HCM phải giải ngân 95% của con số hơn 79.200 tỷ đồng nên là một thách thức rất lớn trong bối cảnh khó khăn bủa vây. Nếu như không quyết tâm ngay từ đầu năm, chắc chắn thành phố sẽ không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.
TP.HCM xác định việc tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024. Rút kinh nghiệm bước chạy đà không tốt trong quí I dẫn đến kết quả không như mong muốn trong năm 2023, năm nay, TP nỗ lực xây dựng một "chân đế" tốt để đạt mục tiêu giải ngân 95%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu như không có cách làm quyết liệt hơn, không nỗ lực hơn nữa thì TP khó đạt được mục tiêu trên.
Giải ngân gấp 3,4 lần cùng kỳ, vẫn không đạt chỉ tiêu đặt ra
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, đến hết quí I/2024, TP.HCM giải ngân được 5.566 tỷ đồng vốn đầu tư công, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2023, đạt tỷ lệ 7,02% so với kế hoạch năm. Để đạt được con số trên, TP.HCM đã nỗ lực giải quyết các lí do chủ quan gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công, như tăng cường chỉ đạo, tổ chức các hội nghị đề ra giải pháp thiết thực, ban hành chương trình hành động, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, địa phương…
Trong quý I, một số địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân tốt, trên 15% như quận Tân Bình, Quận 4, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, 4 ban lớn của TP.HCM là Ban Quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, nắm đến 60% tổng vốn đầu tư công lại có tỷ lệ giải ngân không đạt, ảnh hưởng đến mục tiêu chung của TP. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã có văn bản phê bình các đơn vị trên “chưa nghiêm túc, chưa quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án”.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, trong quí I, Ban Giao thông đăng kí giải ngân 8%, thấp hơn con số chỉ tiêu chung 10-12% của TP. Kết quả, Ban Giao thông đã cố gắng và đạt gần 7%. Tuy chưa đạt chỉ tiêu nhưng theo ông Lương Minh Phúc, lý do là quí I khối lượng xây lắp không nhiều, trừ một số gói thầu thi công xuyên Tết thì đa số gói thầu nghỉ và nhiều dự án trong tháng 1 và 2/2024 thu hồi tạm ứng của năm trước.
Mục tiêu năm 2024 của Ban Giao thông vẫn sẽ là giải ngân trên 95% như kế hoạch. Hiện Ban cũng đã xây dựng lộ trình từng dự án, hàng tuần đều họp giao ban, tham gia các tổ công tác của TP.HCM… Đặc điểm của giải ngân đầu tư công của Ban Giao thông năm 2023 là có đến 50% vốn ở giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ các địa phương, còn Ban chỉ phối hợp. Tuy nhiên, năm nay chủ yếu là khối lượng xây lắp nên gặp nhiều thách thức hơn.
“Năm nay tỷ lệ giải phóng mặt bằng chưa tới 20% và 80% nằm trong khối lượng xây lắp. Như vậy tiến độ phụ thuộc vào năng lực tổ chức điều hành của chủ đầu tư, các tư vấn nhà thầu nên thách thức hơn nhiều năm vừa rồi. Hiện nay Ban cố gắng, tháo gỡ liên tục, kiểm tra liên tục, đôn đốc liên tục và phải quyết tâm”, ông Phúc cho biết.
Nhiệm vụ phía trước rất nặng nề
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nhiệm vụ quí II và thời gian còn lại của năm rất lớn. Cụ thể khi những tồn tại chưa giải quyết triệt để thì những khó khăn mới phát sinh nhiều. Khó khăn từ bên ngoài, từ trong nước, từ nội tại TP bủa vây nên cần phải tập trung nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa các sở, ngành. Bởi việc này dù đã có cải thiện nhưng phải tập trung hơn, cải thiện mạnh mẽ hơn để thúc đẩy nhanh hơn. Cụ thể nếu có vướng mắc là phản ánh ngay. Đầu tiên là phản ánh trực tiếp đến nơi vướng mắc, đến người đứng đầu của cơ quan đó, của địa phương đó. Sau một tuần, hai tuần mà không thấy chuyển biến thì phản ánh cho Thường trực Ủy ban, cho lãnh đạo UBND TP để giải quyết ngay.
Đối với các dự án có hạng mục giải phóng mặt bằng, phải xác định cụ thể mốc thời gian hoàn thành để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95%. Trong đó đảm bảo toàn bộ dự án mới hoàn tất thủ tục quyết định đầu tư trong quý II và đặt mục tiêu phấn đấu trong quý II năm 2024 giải ngân không thấp hơn 30%. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, nhiệm vụ giải ngân trong thời gian còn lại của năm rất nặng nề với 73.000 tỷ đồng, tức là mỗi quý phải giải ngân trên 24.000 tỷ đồng, mỗi tháng phải trên 8.000 tỷ đồng.
“Đây là nhiệm vụ rất nặng nề mà thành phố cần phải tập trung, cần có sự phối hợp đồng bộ mới đạt được kết quả. Do vậy rất mong các Sở, ngành, các quận-huyện, cả hệ thống chính trị phấn khởi trước kết quả của quý I nhưng cũng phải hết sức lo lắng. Nhưng lo lắng ở đây là tập trung cho công việc, có giải pháp để thực hiện cho đạt trong quý II và thời gian còn lại của năm”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu.
Trong bối cảnh một số dự án lớn đang gặp khó khăn về nguồn cát san lấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, TP.HCM cũng đề nghị các chủ đầu tư rà soát hợp đồng đã ký, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan theo hợp đồng, yêu cầu các nhà thầu thực hiện đúng quy định. Thành phố mong các chủ đầu tư, nhà thầu cùng chia sẻ trách nhiệm với thành phố trong giai đoạn khó khăn, khan hiếm về vật liệu, giá thành cao; chấp nhận giảm lợi nhuận, khẩn trương huy động vật liệu từ các nguồn khác nhau để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Năm 2024, TP.HCM phải giải ngân 95% của con số hơn 79.200 tỷ đồng. Và rõ ràng, đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh khó khăn bủa vây. Do đó, nếu như không quyết tâm ngay từ đầu năm, chắc chắn thành phố sẽ không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.