TPHCM tính tăng giá dịch vụ thoát nước: Cần minh bạch

VOV.VN - Đề xuất tăng giá dịch vụ thoát nước của Sở Xây dựng TPHCM đang vấp phải ý kiến lo ngại của các chuyên gia.

Sở Xây dựng TPHCM vừa đề xuất với UBND TPHCM về ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2024, theo đó mỗi năm sẽ tăng 5% trong vòng 5 năm. Đề xuất của Sở Xây dựng đang vấp phải ý kiến lo ngại của các chuyên gia tại TPHCM.

Tăng gánh nặng lên người dân

Nếu đề xuất này được chấp thuận, bình quân giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 11.029 đồng/m3 trong năm 2020. Đến năm 2024, mức giá người dân TPHCM phải trả là 16.344 đồng/m3. Về phương thức thu, đối với các hộ dân sử dụng nước sạch từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) thì sẽ căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ thông qua hóa đơn tiền nước hàng tháng (thay vì đóng phí bảo vệ môi trường). Nếu không sử dụng nước sạch từ SAWACO thì tiếp tục đóng phí bảo vệ môi trường như quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng phương án thu tiền trong trường hợp này.

Người dân TPHCM lội nước mỗi khi triều cường hoặc mưa lớn

Theo Sở Xây dựng TPHCM, việc trả giá dịch vụ thoát nước là hợp lý, người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm trong việc xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, số tiền này còn tạo nguồn cho ngân sách  phục vụ hoạt động quản lý, vận hành, duy tu và bảo trì hệ thống thoát nước, nước thải; còn lại trích 1% chi trả cho dịch vụ đi thu và đóng các loại thuế nếu có.

Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, kể từ năm 2016, người sử dụng nước sạch đã phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, tính bằng 10% cho mỗi m3 nước sạch. Bên cạnh đó, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, gây khó khăn cho thu nhập của người dân thì đề xuất tăng mức thu giá dịch vụ xử lý nước thải trong thời điểm hiện tại là chưa phù hợp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề nghị nên giữ nguyên mức thu như năm 2019 để giảm gánh nặng cho người dân: “Riêng năm 2020, chúng ta không nên tăng giá nước sạch. Năm 2021 tình hình thay đổi, chúng ta xem xét lại sẽ hợp lý hơn”.

Cần công khai, minh bạch

GS.TS. Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TPHCM) cho rằng, cần tính toán thời điểm, mức thu cho hợp lý. Trong lúc việc xử lý ngập nước do triều, thoát nước mưa của TPHCM chưa phát huy hiệu quả, giờ lại bàn phương án tăng giá thì có phần “cưỡng bức”. Phải có sự tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu, lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp chuyên gia, trí thức để đảm bảo tính khoa học. Ngoài ra, ông Lê Huy Bá nhận định, nói đến dịch vụ là có sự tự nguyện, đồng thuận sử dụng. Nếu chất lượng tốt, hiệu quả thì người sử dụng dịch vụ mới trả tiền.

“Để người dân thấy bỏ tiền ra hưởng dịch vụ, trả tiền cho dịch vụ đó thì phải cảm thấy thoải mái. Chứ không phải cứ áp đặt cho người ta như vậy”, ông Lê Huy Bá nêu ý kiến.

Sống chung với nước ngập gây bất tiện trong sinh hoạt

Tiến sỹ Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) phân tích, dịch vụ muốn bền vững thì thu phải bù chi, đối với dịch vụ công thì không nhất thiết phải có lời. Riêng chuyện thoát nước, vẫn còn đang có sự bao cấp, điều đó tạo ra sự đi xuống về chất lượng, việc giải quyết ngập chưa hiệu quả.

Ông Hồ Long Phi nhấn mạnh, khi thu tiền để xử lý nước thải, thoát nước thì phải công khai số tiền, chi thu thế nào vì đó là dịch vụ công: “Phải rõ ràng về con số, phải hợp lý, làm sao cho người dân hiểu được và thông cảm. Công khai, minh bạch, rõ ràng và giải thích cho người ta hiểu tại sao lại như vậy, đó mới là cái chính”.

Những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của đại bộ phận người dân như nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải cần phải được xem xét, tham vấn kỹ càng. Đồng thời, người dân cũng có quyền được giám sát để biết tính hiệu quả của việc sử dụng số tiền mà mình đóng. Như thế mới tạo được sự đồng thuận của người dân, tránh phát sinh gánh nặng lên cuộc sống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên