TP.HCM triển khai nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng

VOV.VN - Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương với mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. TP.HCM được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 8,5%, thấp hơn mục tiêu TP.HCM đề ra là 10%. Nghị quyết đã hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng.


Tăng trưởng 8,5% hay hai con số?

Năm 2024, TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, tăng trưởng kinh tế 7,17%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, TP đặt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025 là có cơ sở khi các trụ cột của tăng trưởng như: đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng... đều đang có những tín hiệu khởi sắc. Phục hồi kinh tế của TP sau đại dịch mạnh mẽ với tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, quý sau cao hơn quý trước trong năm 2024.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) cho rằng, TP đã có quy hoạch chung, quy hoạch TP.HCM nhưng đang nặng về không gian, còn khung kinh tế phát triển của quy hoạch thì có phác thảo nhưng chưa rõ để thành chiến lược.

"Đối với TP.HCM, nên theo mô hình 4-5-6 là: 4 ngành truyền thống thế mạnh cần đầu tư tiếp (điện tử, hóa dược, chế tạo máy, chế biến tinh lương thực thực phẩm) - 5 ngành công nghiệp mới phát triển theo xu thế toàn cầu (công nghệ sinh học, thiết bị y tế, tự động hóa, bán dẫn, năng lượng tái tạo) - 6 ngành dịch vụ có khả năng nâng cao năng suất, chất lượng sống, hỗ trợ cho các ngành kia (thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, logistics, y tế chất lượng cao, giáo dục tinh hoa)", GS.TS Nguyễn Trọng Hoài đề xuất.

Quan trọng hơn nữa, các ngành này phải tích hợp, liên kết, hỗ trợ được cho nhau và TP đầu tư mang tính hệ thống.

Ông Hoài nhấn mạnh, TP hướng đến tăng trưởng cao nhưng phải bền vững và yếu tố quan trọng nhất là tăng năng suất lao động: "Khát vọng tăng trưởng 2 con số của TPHCM là đúng nhưng có thể không chỉ 2025 đạt được ngay. Cho nên, rất vui khi Trung ương giao chỉ tiêu cho TP.HCM tăng trưởng 8,5%. Tôi nghĩ 8,5% đã là con số cần phải phấn đấu mới đạt được và kỳ vọng các năng sau sẽ tăng cao hơn. Quan trọng hơn là tăng năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân trong dài hạn".

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của TP.HCM nên chia thành hai giai đoạn: tăng trưởng đạt 8% và tiếp tục các giải pháp để tăng trưởng thêm 2%.

"Để đạt tầng nấc tăng trưởng 8% thì chỉ cần dựa vào các động lực truyền thống. Mà vậy thì mục tiêu của TP là phải tăng vốn đầu tư xã hội cho năm nay là 660.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công của nhà nước có thể được 120.000 tỷ đồng. Còn lại, làm sao thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài trên 500.000 tỷ đồng", ông Ngân bày tỏ.

Muốn thu hút đầu tư như vậy, TP.HCM phải giải quyết nhanh các khu công nghiệp để có đất sạch với giá cho thuê hợp lý, phát triển hạ tầng giao thông, cần đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Với 2% tăng trưởng thêm, ông Trần Hoàng Ngân kỳ vọng TP.HCM có thể khai thác từ các động lực mới như các dự án Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: "Thành phố đã xây dựng các kịch bản, kế hoạch và 3 kế hoạch nhánh để tăng trưởng 2 con số. Đó là, kế hoạch huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025; Kế hoạch tháo gỡ vướng mắc và khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án dở dang; Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư và công tác điều hành".

Lãnh đạo Thành phố cũng đã làm việc với các cơ quan đầu mối để xác định nguồn vốn cho năm nay, tập trung giải ngân đúng tiến độ, đảm bảo không có tình trạng đội vốn hoặc chậm giải ngân. TP.HCM giải quyết khó khăn để năm nay huy động 139ha đất khu công nghiệp, đầu tư công khoảng 110.000 tỷ đồng, đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 90.000 tỷ đồng, ưu tiên các dự án có thể giải ngân ngay, trong đó có dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Động lực tăng trưởng nằm ở doanh nghiệp

Theo GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, TP.HCM có tiềm năng, nguồn lực tăng trưởng rất lớn, nằm ở chính các doanh nghiệp. TP cần quan tâm nâng cao trình độ quản lý của các doanh nghiệp và nguồn lực giúp các doanh nghiệp bán được sản phẩm với giá tốt hơn, xuất khẩu với chất lượng và ổn định cao hơn.

TP.HCM hiện có 220.000 doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang có những kế hoạch chưa thực hiện. TP cần phải khảo sát, hiểu thấu nhu cầu của doanh nghiệp và tạo ra sự cộng hưởng để thúc đẩy phát triển.

Về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đã có tính toán, kế hoạch thực hiện: "Trong quý I năm nay, Thành phố sẽ có đánh giá tình hình của hơn 200.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh có thể lên doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp dừng, giải thể".

Về thương mại điện tử, UBND TP đang làm việc với các ngành chức năng để tìm ra cách vừa khuyến khích phát triển, vừa đảm bảo công tác quản lý nguồn thu và cạnh tranh lành mạnh với các mô hình thương mại truyền thống.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, một trong những bài toán lớn nhất đối với TP.HCM là làm sao để tăng trưởng kinh tế cao và duy trì được trong dài hạn.

"Tăng trưởng tốc độ cao bản chất là phải tạo ra được các hoạt động sản xuất kinh doanh mới, thu hút đầu tư mới, phát triển các lĩnh vực, các ngành sản xuất mới. Nhìn vào thực tế TP.HCM, bên cạnh những lĩnh vực có thể tạo ra các hoạt động đầu tư, kinh doanh mới trong tầm kiểm soát, như: đầu tư công, cơ sở hạ tầng thì cần phải quan tâm đến những yếu tố mang tính thị trường. Cụ thể là với hơn 400.000 hộ kinh doanh đang hoạt động, TP phải làm sao tạo điều kiện, khuyến khích phát triển thành doanh nghiệp, từ đó sản xuất kinh doanh cũng phát triển, mở rộng theo", ông Thành phân tích.

Có thể thấy, ngay từ Quý 1/2025, TP.HCM đã quyết liệt triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để đạt tăng trưởng 2 con số (10%) theo kế hoạch đề ra trong năm 2025 và thực hiện mục tiêu Chính phủ giao (8,5%). Trong đó, TP.HCM tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu các khu công nghiệp và liên tục tìm kiếm các động lực kinh tế mới.

Ngành dịch vụ là lợi thế cạnh tranh của kinh tế TPHCM năm 2025

VOV.VN - Năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục phục hồi và đạt được mức tăng trưởng cao, kinh tế TPHCM cũng duy trì được đà tăng trưởng ổn định, dù chưa thực sự quay lại được với xu hướng tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngành dịch vụ là lợi thế cạnh tranh của kinh tế TPHCM năm 2025
Ngành dịch vụ là lợi thế cạnh tranh của kinh tế TPHCM năm 2025

VOV.VN - Năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục phục hồi và đạt được mức tăng trưởng cao, kinh tế TPHCM cũng duy trì được đà tăng trưởng ổn định, dù chưa thực sự quay lại được với xu hướng tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19.

Ngành dịch vụ là lợi thế cạnh tranh của kinh tế TPHCM năm 2025

Ngành dịch vụ là lợi thế cạnh tranh của kinh tế TPHCM năm 2025

VOV.VN - Năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục phục hồi và đạt được mức tăng trưởng cao, kinh tế TPHCM cũng duy trì được đà tăng trưởng ổn định, dù chưa thực sự quay lại được với xu hướng tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19.

Chiến lược cải cách hành chính của TPHCM để tăng trưởng năm 2025 đạt 10%
Chiến lược cải cách hành chính của TPHCM để tăng trưởng năm 2025 đạt 10%

VOV.VN - Năm 2024, TPHCM thu ngân sách hơn 508.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Con số này cũng là bản lề để thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 chưa đạt như kỳ vọng, việc đặt mục tiêu tăng trưởng 10% sẽ là một thách thức.

Chiến lược cải cách hành chính của TPHCM để tăng trưởng năm 2025 đạt 10%

Chiến lược cải cách hành chính của TPHCM để tăng trưởng năm 2025 đạt 10%

VOV.VN - Năm 2024, TPHCM thu ngân sách hơn 508.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Con số này cũng là bản lề để thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 chưa đạt như kỳ vọng, việc đặt mục tiêu tăng trưởng 10% sẽ là một thách thức.