"TPP là cơ hội lớn cho Việt Nam"
VOV.VN - "Giới doanh nghiệp Việt Nam không hề thua kém bất cứ doanh nghiệp nơi nào trên thế giới về khả năng sáng tạo, tư duy và thích nghi với hoàn cảnh mới"
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định mậu dịch tự do thế hệ mới. Các lãnh đạo cam kết xây dựng TPP thành một Hiệp định cho phép các nền kinh tế có thể tham gia khi sẵn sàng chấp nhận những cam kết tiêu chuẩn cao.
Đàm phán Hiệp định TPP khởi động từ tháng 3/2010 và đã trải qua gần 5 năm đàm phán. Đến nay, đã có sự tham gia của 12 nền kinh tế năng động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm New Zealand, Chile, Brunei, Singapore, Hoa Kỳ, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Australia, Mexico và Nhật Bản.
Phóng viên báo điện tử VOV phỏng vấn ông Peter Ryder, Giám đốc Điều hành (CEO) của Tập đoàn Indochina Capital về khả năng Việt Nam tham gia HIệp định này.
Peter Ryder: Hãy nhìn bức tranh toàn cảnh. TPP thực tế là sân chơi của các nền kinh tế “đại gia”, như Mỹ, Nhật. Tôi nghĩ rằng, TPP là một cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam nên tận dụng cơ hội cho dù có mạo hiểm chăng nữa. Cho dù ở lĩnh vực dệt may, nông nghiệp hay lĩnh vực nào thì Việt Nam cũng cần “mở lòng” đón nhận cơ hội, tận dụng cơ hội ở những lĩnh vực cụ thể, và cần hành động nhanh hơn. Việt Nam cần phải nắm lấy và tận dụng cơ hội này.
Tuy nhiên, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, còn thiếu kinh nghiệm trong thương mại quốc tế, nếu so sánh với những quốc gia thành viên TPP khác như Nhật Bản, Singapore, Australia… là những nước có nhiều kinh nghiệm hơn rất nhiều.
Nếu nói về nhược điểm thì nhược điểm lớn nhất là Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm. Nhưng đây là một cơ hội rất lớn, hứa hẹn nhiều thành quả kinh tế lớn. Vì vậy, tôi thực sự mong muốn rằng Việt Nam sẽ xúc tiến nhanh hơn, dũng cảm hơn để tham gia vào TPP.
PV: TPP là hiệp định quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của cả Mỹ và các nước tham gia. Khi Việt Nam tham gia TPP, Việt Nam sẽ có những lợi ích như thế nào?
Peter Ryder: Khi vào TPP, các quốc gia thành viên sẽ chịu mức thuế quan rất thấp, gần như là thương mại tự do. TPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Mỹ, Australia.v.v…
Khi hàng hóa Việt Nam như sản phẩm dệt may, cà phê, điện tử… vào các thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản.v.v… mức thuế sẽ rất thấp hoặc bằng không. Vì thế mà cơ hội mở ra là rất lớn để phát triển thương mại.
Thông thường thì bên cạnh những lợi ích thì bao giờ cũng đi kèm với những điều bất lợi. Nhưng tôi nghĩ rằng, khi Việt Nam tham gia TPP thì những lợi ích sẽ nhiều hơn bất lợi.
PV: Ông có thể đưa ra dự đoán thương mại Việt- Mỹ sẽ tăng trưởng như thế nào khi có TPP?
Peter Ryder: Tôi chỉ phát biểu với tư cách cá nhân về quan hệ thương mại Việt- Mỹ. Hãy nhìn vào hàng hóa sản phẩm dệt may, giày, đồ điện tử, đó là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và là thế mạnh của Việt Nam. Các sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bán ở Mỹ thì sẽ có giá rẻ hơn rất nhiều. Nếu hàng hóa chất lượng như nhau, mà hàng Việt Nam rẻ hơn thì chúng tôi sẽ chọn hàng Việt Nam. Thế nên Việt Nam nên tiếp tục phát huy thế mạnh đó.
Bạn có thể thấy kim ngạch thương mại giữa hai nước hiện nay đã lên tới 40 tỷ USD. Đó là một ví dụ của tăng trưởng thương mại giữa 2 nước thời gian qua.
PV: TPP có ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước khác không?
Peter Ryder: TPP dĩ nhiên là sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam với nước khác. TPP sẽ giúp Việt Nam mạnh mẽ hơn, kinh tế phát triển hơn, điều đó sẽ tác động đến mối quan hệ với nước khác.
PV: Đối với những nước phát triển còn chậm và chưa ổn định, tham gia TPP cũng sẽ đặt ra những khó khăn và thách thức không nhỏ. Với Việt Nam thì những thách thức đặt ra là gì? Ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Peter Ryder: Khi tham gia TPP, nhiều công ty sẽ vào Việt Nam, hàng hóa của nhiều nước sẽ vào Việt Nam và cạnh tranh với hàng nội địa. Đó sẽ là một thách thức đối với giới kinh doanh của Việt Nam.
Với kinh nghiệm của tôi, tôi thấy, giới kinh doanh của Việt Nam không thua kém bất cứ một nước nào trên thế giới, ở góc độ khả năng sáng tạo, tư duy, thích nghi với những hoàn cảnh mới.
Tuy nhiên, quá trình cải cách các doanh nghiệp quốc doanh vẫn còn diễn ra rất chậm chạp. Theo quan điểm của tôi đây sẽ là thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy cải cách doanh nghiệp quốc doanh và tiến tới cổ phần hóa các doanh nghiệp này. Bởi khi gia nhập TPP, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh với doanh nghiệp của tất cả các nước trên thế giới, mà họ có sự tự chủ hơn rất nhiều.
Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử phát triển của Việt Nam, ví dụ như khi tham gia WTO. Các doanh nghiệp chịu áp lực khá lớn khi Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng thực tế cho thấy, khi chịu áp lực lớn, Việt Nam nói chung và giới doanh nghiệp nói riêng vận động rất tích cực và cởi mở.
Việt Nam trải qua thời gian đã chứng minh rằng nước này đã hành động rất tích cực khi phải giải quyết các tình huống khó khăn. Khi không có áp lực, con người sẽ trì trệ, nhưng khi chịu áp lực, con người sẽ tích cực hơn và có những hành động tích cực để vượt qua.
*Xin cảm ơn ông./.