Trái cây Việt “được mùa” tiếp cận thị trường thế giới
Năm 2022 được coi là năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép tiếp cận đến các thị trường thế giới.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) ngày 24/11 tổ chức buổi họp báo công bố việc hoàn thành mở cửa thị trường Nhật Bản cho nhãn, thị trường Trung Quốc cho khoai lang và thị trường Newzealand cho chanh, bưởi của Việt Nam.
"Năm thắng lợi nhất"
Theo Cục Bảo vệ thực vật, năm 2022 có thể được coi là năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép tiếp cận đến các thị trường thế giới.
Trước tiên là sản phẩm chanh leo của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc với các quy định tạm thời. Tiếp đến, sầu riêng và chuối của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước.
Mới đây, hai bên đã ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Ngày 22/11, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố trên website của mình về yêu cầu kiểm dịch này.
Không chỉ thị trường Trung Quốc, quả chanh và bưởi của Việt Nam cũng được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand sau khi điều kiện nhập khẩu được hai bên ký kết vào ngày 15/11. Mới đây, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cũng công bố trên trang web của Chính phủ cho phép nhãn tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản ngày 18/11.
Chia sẻ quá trình đàm phán các loại trái cây kể trên, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) nhấn mạnh: “Tất cả đều đàm phán rất dài”.
Chẳng hạn, với chanh và bưởi xuất khẩu vào New Zealand, mất gần 3 năm từ ngày nộp hồ sơ kỹ thuật. Còn với nhãn, Cục Bảo vệ thực vật nộp hồ sơ kỹ thuật từ năm 2016 nhưng đến tháng 11/2022 mới hoàn tất các thủ tục theo quy định để xuất khẩu vào Nhật Bản. Thậm chí, khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc, mất đến 10 năm.
Giữ được càng khó hơn
Việc đàm phán để xuất khẩu chính ngạch trái cây sang các nước đã khó, giữ được càng khó hơn. Các sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh. Trong đó, đặc biệt quan trọng là sản phẩm trồng phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói.
Với khoai lang xuất sang Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin: Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch động thực vật nhập khẩu khác của Trung Quốc, lô hàng khoai lang sẽ bị xử lý theo luật và quy định liên quan.
Các cơ quan của Việt Nam và Trung Quốc sẽ thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các vùng trồng và cơ sở đóng gói sau khi bắt đầu xuất khẩu (kiểm tra hàng tuần hoặc hàng năm). Nếu phát hiện vi phạm nhiều lần, Trung Quốc có thể có các biện pháp tạm dừng xuất khẩu.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng: Việc ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng minh bạch, cũng là tạo động lực cho nông dân Việt Nam làm ăn chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô lớn hơn.
Người dân, doanh nghiệp cũng có ý thức kiểm soát sinh vật gây hại, không làm ảnh hưởng môi trường, chất lượng sản phẩm tăng lên, giá cả tăng lên.
“Sầu riêng giá tăng gấp 3 khi có nghị định thư, tạo thêm thu nhập cho người dân”, ông Trung chia sẻ.
Đề cập đến việc “hậu kiểm”, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ cố gắng ngăn chặn việc giả mạo, mượn mã số trái phép, phối hợp với cơ quan công an địa phương làm rõ các hành vi “cò mã số”. “Các biện pháp chúng tôi đã làm để mã số của chủ sở hữu phải được bảo vệ. Khi được bảo vệ, họ mới chăm chút mã số đó”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho hay./.