Trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn dắt năng suất quốc gia, tạo đột phá phát triển
VOV.VN - Công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi tư duy nhận thức, mô hình tổ chức, phương thức hoạt động và cách thức giao tiếp của chúng ta.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 bàn về chủ đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 17/1, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi một cách sâu rộng đời sống kinh tế - xã hội. Công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, tự động hóa, dữ liệu lớn thực sự đang làm thay đổi tư duy nhận thức, mô hình tổ chức, phương thức hoạt động và cách thức giao tiếp của chúng ta. Nó thực sự dần trở thành động lực quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh.
“Nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu và phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong giai đoạn mới. Kinh tế số đang và sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia trên thế giới phát triển nhanh hơn để hướng tới xã hội thịnh vượng và văn minh”, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn |
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, phát triển kinh tế số cũng đòi hỏi những điều kiện không đơn giản và tạo ra không ít những thách thức như: vấn đề lao động, việc làm, nhất là giảm dần lợi thế lao động giá rẻ do bị thay thế bởi máy móc và người máy robot, nhiều kỹ năng lao động hiện tại sẽ dư thừa trong tương lai, gia tăng thất nghiệp, bất bình đẳng, khoảng cảnh chênh lệch giàu nghèo…
Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung đánh giá xu hướng phát triển và tác động của trí tuệ nhân tạo (TTNT) lên nền kinh tế thế giới; tác động đến các nhóm ngành kinh tế; đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng cho việc đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, những vấn đề về thể chế, chính sách cần được tháo gỡ để thực hiện chiến lược phát triển TTNT trong bối cảnh mới; đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo vào quản lý và sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Diễn giả trình bày tham luận tại diễn đàn |
Khẳng định vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, TTNT là một công nghệ “lõi” và công nghệ “nguồn” dẫn dắt năng suất quốc gia, có tác động mạnh, mang tính cách mạng và đột phá đến sự phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và mọi mặt đời sống của con người; tạo ra giá trị gia tăng trong các sản phẩm dựa trên hàm lượng trí tuệ trong mọi hoạt động. Công nghệ TTNT tạo ra những cơ hội cho các quốc gia, nền kinh tế, các ngành và các tập đoàn có độ sáng tạo cao.
“Trong xu thế phát triển toàn cầu, việc xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phát triển TTNT, trong đó công nghệ và sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo là trung tâm, hạ tầng dữ liệu và tính toán là nền tảng, TTNT lõi mang tính động lực, sẽ góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam cần phải xác định rõ bối cảnh, mục tiêu và các biện pháp hướng tới mục tiêu trong chiến lược quốc gia về TTNT. Theo đó, cần xác định đúng quy mô thị trường TTNT Việt Nam hiện thời và theo kỳ vọng chiến lược của một quốc gia xếp hạng 29 vào năm 2030, xếp hạng 20 vào năm 2050 tính theo GDP trên thế giới.
"Với vai trò vừa là người tiêu dùng lớn nhất vừa là tác nhân có trách nhiệm dẫn dắt phát triển nền kinh tế đất nước, Nhà nước cần là nhà đầu tư chiến lược vào những thành phần TTNT cốt lõi của quốc gia, trước mắt là đầu tư xây dựng một các công phu, bài bản Chiến lược TTNT quốc gia phù hợp nhất với Việt Nam. Chiến lược đó cần bao gồm việc xác định đúng quy mô thị trường TTNT Việt Nam theo kỳ vọng và xây dựng các chính sách tạo động lực tăng cường quy mô thị trường TTNT Việt Nam theo kỳ vọng đó”, Thứ trưởng Duy nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, cần xác định được chính xác các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển TTNT. Đồng thời, khảo sát, phân tích một cách khoa học các nội dung chiến lược TTNT quốc gia của các nước trên thế giới.
“Chiến lược quốc gia cũng cần xây dựng được các chính sách thúc đẩy sự chung tay đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cho một thị trường kinh tế số (nói chung) và thị trường TTNT (nói riêng) bền vững; đồng thời, cần giảm thiểu tác động từ cách tiếp cận theo mục tiêu kinh doanh ngắn hạn của doanh nghiệp tới chiến lược quốc gia và chính sách Nhà nước”, ông Duy đề xuất.
Đặc biệt, nhân lực TTNT tài năng là nhân tố cốt lõi đảm bảo cho sự thành công phát triển TTNT và nền kinh tế số Việt Nam.
“Đầu tư đặc biệt cho phát triển tài năng TTNT cần được coi là thành phần quan trọng nhất trong đầu tư chiến lược tăng cường quy mô thị trường TTNT của đất nước”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh./.
Biến đổi khí hậu có nguy cơ làm chậm phát triển kinh tế
Việt Nam trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á: Cách nào?