Triển khai Quy hoạch điện VIII cơ cấu nhập khẩu 5.000MW điện từ Lào
VOV.VN - Theo Kế hoạch đến năm 2030 Việt Nam nhập khẩu khoảng 5.000MW điện từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW song cũng phấn đấu đến thời gian này quy mô công suất xuất khẩu điện của Việt Nam đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.
Để tổ chức triển khai Quy hoạch điện VIII hiệu quả, phù hợp với nguồn lực phát triển của ngành trong từng giai đoạn, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo Bộ Công Thương, việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là cần thiết để triển khai các nội dung đã được xác định trong Quy hoạch điện VIII. Đặc biệt xác định cụ thể về trách nhiệm, tiến độ và việc huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư của ngành.
Trong Tờ trình Chính phủ đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đưa ra danh mục các dự án đầu tư công, dự án sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công. Các dự án nguồn điện lớn có thời gian chuẩn bị và xây dựng dài, ngoài việc tính toán từ nhu cầu hệ thống còn cần căn cứ vào tình hình triển khai thực tế để xác định tiến độ vận hành.
Cụ thể, với các dự án điện than lớn, rủi ro chậm tiến độ do những khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư và tiến độ vận hành chưa xác định cụ thể được, Bộ Công Thương sẽ tiến hành làm việc với các chủ đầu tư dự án để làm rõ khả năng tiếp tục triển khai hoặc xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.
Đối với các nguồn điện chạy nền có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh cung cấp điện (nguồn nhiệt điện chạy LNG nhập khẩu, khí trong nước, thủy điện lớn...), theo Kế hoạch cần được rà soát tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hàng năm/hàng quý để có đánh giá chính xác nhất về khả năng cung ứng điện quốc gia trong từng năm đến 2030 và đề xuất các giải pháp nếu bị chậm tiến độ.
Các dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) sẽ được phân bổ theo vùng. Quy mô công suất ĐGNK sẽ được chuẩn xác trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Việc lựa chọn quy mô, vị trí cụ thể của các dự án ĐGNK sẽ được các địa phương quyết định căn cứ vào các yếu tố chính gồm: chi phí sản xuất điện, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải điện và hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội các địa phương.
Các dự án điện mặt trời (ĐMT) tập trung sẽ được tính toán quy mô công suất theo các địa phương căn cứ vào tính khả thi thực hiện, tiến độ triển khai thực tế; Khả năng giải tỏa công suất của lưới điện khu vực địa phương; Chi phí sản xuất điện quy dẫn, có xét đến chi phí truyền tải điện. Các dự án ĐMT mái nhà tại các khu công nghiệp, quy mô phát triển đạt khoảng 2.600 MW năm 2030 theo nguyên tắc tính toán công suất ĐMT mái nhà tăng thêm phù hợp với quy mô phát triển tại Quy hoạch điện VIII. Công suất ĐMT mái nhà theo từng tỉnh trên cơ sở tính toán công suất tiềm năng kỹ thuật ĐMT mái nhà các khu công nghiệp.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu khu vực công sở, nhà dân thực hiện theo lộ trình phấn đấu độ bao phủ đạt 50% số tòa nhà công sở và nhà dân vào năm 2030. Tính toán quy mô công suất đến cấp tỉnh trên cơ sở căn cứ chi phí sản xuất điện và chi phí truyền tải tại các vị trí tiềm năng phát triển. Tính khả thi thực hiện và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện và các tiêu chí, luận cứ khác tại Quyết định số 500/QĐ-TTg.
Đối với nguồn thủy điện nhỏ sẽ căn cứ vào tiềm năng thủy điện nhỏ do các tỉnh đề xuất, quy mô công suất đã bổ sung quy hoạch. Đồng thời căn cứ vào tính khả thi thực hiện và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải và các tiêu chí khác tại Quyết định số 500/QĐ-TTg.
Kế hoạch phát triển sác nguồn năng lượng tái tạo khác như điện sinh khối và điện sản xuất từ rác, căn cứ tiềm năng điện sinh khối và điện sản xuất từ rác do các tỉnh đề xuất. Quy mô công suất theo tính toán của tỉnh trên cơ sở đảm bảo tính khả thi, khả năng giải tỏa công suất và các tiêu chí khác tại Quyết định số 500/QĐ-TTg.
Đáng chú ý trong Kế hoạch trình Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục kiên định việc thực hiện kết nối, trao đổi điện năng có hiệu quả với các nước trong khu vực, bảo đảm lợi ích của các bên, tăng cường an toàn hệ thống điện; đẩy mạnh nhập khẩu điện từ các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) có tiềm năng về thủy điện. Do đó, Kế hoạch quan tâm đầu tư, khai thác các nguồn điện tại nước ngoài để cung ứng điện về Việt Nam.
Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5.000MW điện từ Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ và có thể tăng lên 8.000 MW. Đến năm 2050, nhập khẩu khoảng 11.000 MW trên cơ sở cân đối với xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả tối ưu tổng thể.
Đồng thời ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,...) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.