Triển vọng hợp tác kinh tế Việt-Nhật

Đó là chủ đề bài diễn thuyết của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki trước hàng trăm sinh viên của trường ĐH Ngoại thương diễn ra tại Hà Nội chiều 22/3.

Trong bài diễn thuyết của mình Đại sứ Tanizaki đã điểm lại những mốc son trong lịch sử phát triển kinh tế hai nước. Từ thời giao thương hưng thịnh giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á tại Hội An thế kỷ thứ 17 cho đến tháng 10/2006 hai nước đã cam kết trở thành đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đang diễn thuyết

Hiện nay các công ty Nhật Bản hướng sang thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, riêng trong 3 tháng đầu năm 2012 đến nay đã có 208 dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lên tới 1,8 tỷ USD. Viện trợ ODA cho Việt Nam cũng đang đạt mức cao nhất kể từ khi Nhật Bản nối lại viện trợ này cho Việt Nam cách đây 20 năm. Việt Nam đang trở thành quốc gia nhận viện trợ cho ODA của Nhật Bản lớn thứ hai trên thế giới.

Tâm điểm của bài diễn thuyết, Đại sứ Tanizaki cho biết hiện Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao những thành tựu trong phát triển kinh tế và công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Từ sau năm 1990 đến nay, Việt Nam đã đạt những bước phát triển đáng kinh ngạc. Tỷ lệ đói nghèogiảm từ 58% từ năm 1993 xuống còn 14% vào năm 2008, GDP bình quân đầu người tăng từ 144 USD năm 1992 lên 1000 USD năm 2008, vươn lên hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình.

Mặc dù vậy Đại sứ Tanizaki cho rằng Việt Nam cũng đang phải dần đối mặt với các vấn đề phát sinh nếu xử lý không đúng sẽ làm giảm mức tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt vấn đề hay được đề cập là Quốc gia có bẫy thu nhập trung bình.

Để giải quyết vấn đề trên, theo Đại sứ Tanizaki, Việt Nam cần thực hiện khẩu hiệu ba chữ P trong tiếng Anh (Progress-Partnership - People Development) có nghĩa là Phát triển-Đối tác và Phát triển con người.

Đại sứ Tanizaki cho biết hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang kết hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam như Văn phòng Chính phủ, Bộ kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính xây dựng chiến lược công nghiệp hóa tại Việt Nam. Dự kiến trong vài tháng tới sẽ có báo cáo xác định rõ các lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng của Việt Nam.

Đề cập đến quan hệ hợp tác của Việt Nam - Nhật Bản và các nước trong khu vực, Đại sứ Tanizaki cho biết hai bên đang có kế hoạch phát triển mối liên kết khu vực Mekong nhằm hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN. Hai bên đang triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho hành lang kinh tế Đông- Tây từ Đà Nẵng qua Lào, Thái Lan tới Myama và hành lang kinh tế nam bộ từ TP HCM qua Campuchia Thái Lan tới Daie-Myamar./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên