Triển vọng sinh kế lâm nghiệp ở Đăk Psi
VOV.VN - Quỹ sinh kế lâm nghiệp cộng đồng giúp các hộ ở xã Đăk Psi, (Đăk Hà, Kon Tum) mở rộng hướng sản xuất kinh doanh, rẫy nương đã được trả lại cho rừng.
Thôn Krong Duôn, xã Đăk Psi có gần trăm hộ, định cư trên các ngọn đồi thấp dọc đường liên xã Đăk Đrinh-Đăk Psi. Đứng bên lề đường, lắng nghe đã thấy tiếng nước chảy ào ào, phát ra từ tuyến kênh dọc thôn, tiếp nước ở cánh rừng đầu nguồn, tưới cho đồng lúa phía dưới thung lũng. Nguồn nước trong mát quanh năm còn giúp bà con dễ dàng đầu tư thêm các hướng sản xuất kinh doanh mới.
Anh A Điện, một người dân trong thôn đã dẫn nước từ kênh sang một nhánh mương phụ chảy quanh co trong vườn nhà, vừa để tưới cho hoa màu, vừa nuôi gà vịt và lợn rừng lai. A Điện khoe, cách làm mới là do xã hướng dẫn, vốn triển khai là do quỹ sinh kế lâm nghiệp của thôn cho vay.
“Cái này đầu tư ban đầu hết 13 triệu đồng, gồm chuồng trại và giống. 13 triệu này tôi vay từ thôn, từ quỹ bảo vệ rừng. Thôn cho bà con vay, phát triển chăn nuôi để xóa đói giảm nghèo đấy”, Anh A Điện nói.
Đăk Psi có 5 thôn và 470 hộ nhận quản lý bảo vệ gần 6.500 ha rừng, mỗi năm nhận được gần 5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, 470 hộ nhận trực tiếp hơn 3,5 tỷ đồng. 5 cộng đồng thôn nhận gần 1,5 tỷ đồng. 30% trong số này, tương đương hơn 400 triệu đồng mỗi năm, đã được các cộng đồng dùng để lập quỹ, cho các hộ trong thôn vay để mở rộng sinh kế.
Chị Lê Thị Loan ở thôn 3 cho biết, ưu điểm của quỹ là áp lực trả lãi thấp, mỗi lần vay đều được tập huấn nên các hộ yên tâm đầu tư: “Tôi không chờ vay được vốn mới mua heo mà tôi đi mua trước. Bởi vậy, đến khi vay được vốn cách đây hơn một tháng thì đám heo rừng lai của tôi đã được gần 40kg/con rồi. Vậy nên chắc chắn rằng trong năm là tôi bán được, có tiền để hoàn lại cho thôn”.
Đăk Psi là xã có nhiều rừng nhất huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, với gần 25.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây cũng là một trong những địa phương điển hình trong giao rừng cho cộng đồng và đa dạng các nguồn sinh kế từ rừng. Hiện nay, ngoài nguồn thu từ ruộng, rẫy, tiền dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm các thôn làng trong xã thu được khoảng 400 tấn măng le tươi, trị giá khoảng 2 tỷ rưỡi đồng cùng nhiều lâm sản phụ khác. Riêng măng le Đăk Psi, đang được định hình để trở thành sản phẩm OCOP của xã.
Chị Lương Thị Kiều Nga – một tiểu thương ở thôn Kon Kơ La (xã Đăk Psi) cho biết, hầu như hộ kinh doanh nào ở xã cũng thu mua măng tươi, chế biến, sấy khô và bán cho thương lái. Những năm trước, các hộ mạnh ai nấy làm và hầu hết sản phẩm đều ở dạng không nhãn mác, được bỏ sỉ cho các thương lái, nên giá trị rất bấp bênh. Có năm, măng khô có giá đến 200.000 đồng/kg, nhưng cũng có năm chỉ ở mức giá 120.000 đồng/kg. Năm 2019, khi măng le Đăk Psi được định hướng về thương hiệu, gây dựng thành sản phẩm đặc trưng, các tiểu thương như chị Nga đã nhìn thấy hướng làm mới bài bản hơn.
“Việc làm đặc sản măng le này xã mới đề ra từ năm ngoái nên chúng tôi chưa hiểu biết được nhiều. Tới đây, khi đã hiểu rõ thì sẽ từ từ làm và tự mình nhập đi các thành phố”, chị Nga nói.
Theo ông Phan Văn Học, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Psi, kết quả mở rộng sinh kế lâm nghiệp của các cộng đồng trong xã mới chỉ là bước đầu, nhưng đã tạo nên hiệu quả khá rõ nét. Số vụ xâm hại rừng giảm đáng kể và không ít nương rẫy được tái sinh trở lại thành rừng.
“Hiện giờ, diện tích đất lâm nghiệp dùng để sản xuất nương rẫy mà cây rừng tái sinh lại, bà con để lại để gây rừng luôn chứ không phát lại nữa. Trong năm vừa rồi xã đã rà soát một số điểm. Chẳng hạn như ngay trước ủy ban, trên dãy đồi phía trước kia có hơn 10ha rừng đã phục hồi. Cuối năm nay sẽ mời quỹ bảo vệ rừng tỉnh lên để nghiệm thu, nếu đủ điều kiện thì sẽ đưa vào diện được chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao cho công đồng dân cư gần đó để bảo vệ”, ông Phan Văn Học cho biết.
Tiền dịch vụ môi trường rừng giúp nâng cao thu nhập, quỹ sinh kế lâm nghiệp cộng đồng giúp các hộ mở rộng hướng sản xuất kinh doanh, lâm sản phụ trở thành sản phẩm đặc trưng có nhãn mác và những rẫy nương đã được trả lại cho rừng… đang là bước khởi động đáng mừng cho công cuộc bảo vệ - phát triển rừng ở xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Hướng đi này tiếp tục được làm phong phú và hiệu quả thêm khi có sự tham gia của các doanh nghiệp, với các mô hình khảo nghiệm trồng cây dổi, cây ươi vừa lấy hạt, vừa lấy gỗ. Doanh nghiệp đi trước thôn làng tiếp bước theo sau, lợi ích từ rừng chắc chắn sẽ được mở rộng, nâng cao; đời sống cộng đồng và đời sống của rừng, có triển vọng trở thành một hệ sinh thái mật thiết và ngày càng xanh tươi, bền vững./.