Triển vọng từ mô hình nuôi nhum sọ ở Lý Sơn
VOV.VN - Mô hình nuôi thử nghiệm nhum sọ tại vùng biển Lý Sơn hứa hẹn cung cấp nguồn nhum chủ động và tạo thêm thu nhập cho người dân nơi đây.
Nhum sọ còn gọi là cầu gai là loài thủy sản vừa có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, loài thủy sản này đang trong tình trạng báo động do bị khai thác quá mức. Nhằm duy trì nguồn lợi nhum sọ và hình thành nghề nuôi trồng thủy sản mới cho người dân huyện đảo, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn phối hợp với Viện Hải dương học thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm nhum sọ tại vùng biển Lý Sơn. Bước đầu cho thấy, mô hình này hứa hẹn cung cấp nguồn nhum chủ động và tạo thêm thu nhập cho người dân.
Mô hình được thí điểm tại một giàn bè của một hộ dân. Giàn bè này gồm 54 lồng, diện tích 50m2 được tận dụng từ bè nuôi cá bớp. Lồng nuôi được thiết kế hình chữ nhật dài 60cm, rộng 40 cm, sâu 2m. Quy mô thí điểm 2.000 con giống, mỗi con có kích thước từ 2-3cm được khai thác trực tiếp tại vùng biển Lý Sơn, nguồn thức ăn chủ yếu là rong, tảo biển có sẵn tại địa phương. Ông Huỳnh Ngọc Thảo, hộ gia đình tham gia nuôi thử nghiệm nhum sọ phấn khởi cho biết, sau một tháng thả nuôi, nhum sọ đã thích nghi môi trường giàn bè.
“Sau thời gian thả nuôi, nhum thích nghi với môi trường giàn bè và phát triển tốt, nguồn thức ăn cũng rất dễ tìm, chủ yếu là rau câu là chính. Hiện nhum thành phẩm có giá bán tại Lý Sơn từ 260.000 – 300.000 đồng/kg. Nếu mô hình thành công và được nhân rộng sẽ mang lại kinh tế lớn cho bà con Lý Sơn. Hiện nay, nhum rất được ưa chuộng tại Lý Sơn cũng như các nơi khác”, ông Huỳnh Ngọc Thảo chia sẻ.
Nhum sọ là loài đặc sản biển quý hiếm có dạng hình cầu, vỏ ngoài cứng, trên mặt vỏ có các chân gai. Vài năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ của người dân và du khách tăng cao dẫn đến việc khai thác quá mức khiến nhum sọ tại vùng biển Lý Sơn có chiều hướng sụt giảm, mất cân bằng hệ sinh thái. Ông Trương Đình Nho, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn cho biết, mô hình nuôi thử nghiệm nhằm mục đích duy trì và phát triển nguồn nhum sọ, đồng thời tạo điều kiện để người dân tiếp cận được đối tượng nuôi trồng thủy sản mới ở địa phương, qua đó, nâng cao thu nhập hộ gia đình.
“Sau một năm sẽ tiến hành đánh giá kết quả, nếu hiệu quả thì sẽ tạo điều kiện để người dân nhân rộng mô hình phục vụ cho du lịch và nuôi trồng thủy sản. Điều này rất thuận tiện bởi mô hình rẻ tiền, chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện”, ông Trương Đình Nho cho biết thêm.
Trước đây, vùng biển ven bờ huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có nguồn thủy sản đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, khi du lịch phát triển, dân số gia tăng, các đối tượng thủy sản ven bờ bị khai thác cạn kiệt. Việc triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn trong thời gian qua góp phần giảm thiểu tần suất khai thác thủy sản ở môi trường tự nhiên, đặc biệt là trong Khu bảo tồn biển.
“Các mô hình nuôi trồng thủy sản gần đây đã góp phần hạn chế tình trạng khai thác thủy sản ngoài tự nhiên, mong rằng mô hình này thành công, nhân rộng để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và hạn chế việc khai thác nguồn thủy sản ven bờ Khu bảo tồn biển Lý Sơn”, ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nói./.