Trồng bù rừng ở các dự án thủy điện: “Thả gà ra đuổi”
(VOV) - Nơi nào không còn đất thì chủ đầu tư có trách nhiệm đóng góp vào quĩ bảo vệ và phát triển rừng để điều tiết trồng bù ở nơi khác.
Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định: “Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển đổi”. Tuy nhiên, qua khảo sát mới đây cho thấy phần lớn các dự án thủy điện không trồng bù rừng. Nếu có trồng cũng chẳng đáng là bao, đó là chưa kể đến chất lượng rừng trồng.
Nhiều diện tích đất rừng không được trồng cây đền bù sau khi hoàn thành dự án thủy điện. (Ảnh minh họa) |
Thực tế tại Phú Yên, để có 3 nhà máy thủy điện Sông Hinh, sông Ba Hạ, Krông Năng đi vào hoạt động, tỉnh Phú Yên phải mất hơn 1.000 ha rừng. Riêng thủy điện Krông Năng do Công ty CP Sông Ba làm chủ đầu tư theo quy định phải trồng lại 175 ha rừng, nhưng từ năm 2010 đến nay, đơn vị này vẫn chưa triển khai.
Dự án thủy điện sông Ba Hạ do công ty CP thủy điện sông Ba Hạ làm chủ đầu tư phải trồng lại hơn 200 ha thì hiện mới trồng được khoảng 1/10 diện tích được giao. Còn dự án thủy điện sông Hinh do Công ty CP thủy điện Kiến Sơn, Sông Hinh làm chủ đầu tư thậm chí không hề nhắc đến việc trồng trả lại diện tích rừng đã mất.
“Đây là vấn đề mà cử tri và người dân rất quan tâm. Những diện tích đất rừng bị lấy đi nếu không trồng lại, không khôi phục lại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hệ sinh thái, đến tài nguyên môi trường, và đương nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nhận định.
Theo phê duyệt của UBND tỉnh Đắk Lắk, các dự án thủy điện trên địa bàn phải trồng mới gần 850 ha rừng, nhưng đến nay chỉ mới có vỏn vẹn 63 ha. Thủy điện Ea M'Đoan 2, công suất 4 MW chuyển đổi 11,5 ha rừng cũng chỉ trồng bù chưa được một nửa. Thủy điện Srêpốk 4 có công suất 80 MW lấy đi hơn 200 ha rừng thì mới trồng bù chưa đầy 40 ha.
Riêng tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các dự án thủy điện chưa trồng rừng thay thế. Trong chuyến khảo sát việc quy hoạch các thủy điện tại miền Trung, Tây Nguyên cách đây không lâu, ông Lê Tuấn Phong, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng, Bộ Công Thương thừa nhận: “Hầu hết các dự án thủy điện ở Tây Nguyên không trồng trả lại rừng theo quy định của Chính Phủ. Các chủ đầu tư nói là không có đất, đúng là hết đất thật. Đất sản xuất cấp cho bà con cũng còn thiếu. Vì vậy, yêu cầu địa phương xem xét lại, có thể vận dụng tìm đất nơi khác thích hợp để trồng rừng mới.”
Thiếu đất là nguyên nhân chủ yếu được các chủ đầu tư đưa ra để giải thích cho việc không trồng hoặc trồng không đủ diện tích rừng đã lấy để triển khai dự án. Có rất nhiều chủ dự án thủy điện khi xin đầu tư đều hứa hẹn, cam kết thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng sau khi đi vào hoạt động đã bỏ qua việc trồng lại rừng. Tuy nhiên cũng có nhiều chủ đầu tư thủy điện yêu cầu được trồng lại rừng theo qui đinh, nhưng địa phương lại không còn đất.
Thực tế diện tích xây hồ chứa thủy điện là rất lớn, nên ngay quỹ đất tái định canh, định cư đền bù cho người dân vùng lòng hồ, địa phương xoay sở còn không đủ thì lấy đâu ra đất để giao cho các chủ dự án trồng bù rừng. Dự án thủy điện Đồng Nai 3 là một ví dụ. Từ năm 2010, xã Đắk BLao huyện Đắk Glong tỉnh Đắk Nông bỗng dưng trở thành “điểm nóng” về khiếu kiện đất đai.
“Đất thiếu, hàng trăm hộ dân của xã Đắk Blao kéo nhau lên vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng phá rừng lấy đất sản xuất. Chỉ trong vài năm, gần 50 ha rừng nguyên sinh biến mất”, ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục khó khăn lắm mới kiểm soát được nạn phá rừng.
Sau những trận bão lũ, hạn hán, thiên tai liên tiếp dội xuống mấy năm gần đây cho thấy, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến từng địa phương. Kiểm kê lại rừng, các bộ ngành và lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mới giật mình: diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá đi làm thủy điện là vô cùng lớn, lớn cả về diện tích lẫn giá trị sinh thái.
Tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo sở Tài nguyên môi trường và các địa phương phải bố trí đất để trồng bù rừng. Nơi nào không còn đất thì chủ đầu tư có trách nhiệm đóng góp tiền vào quĩ bảo vệ và phát triển rừng để tỉnh điều tiết trồng bù rừng ở nơi khác.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, cứ 1 ha rừng bị lấy đi làm thủy điện, chủ đầu tư sẽ phải trồng trả lại đúng 1ha rừng. Điều đáng nói là ngay cả khi các chủ đầu tư thủy điện nghiêm túc trồng lại rừng theo đúng quy định thì cũng phải mất ít nhất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nữa mới có thể tái tạo được diện tích rừng đã mất. Đó là chưa nói đến chủ đầu tư các dự án thủy điện thường không có năng lực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, cho nên dù có quĩ đất chăng nữa thì việc trồng rừng mới đối với nhiều dự án thủy điện chỉ mang tính chiếu lệ, chất lượng rừng không đảm bảo.
Đành rằng rừng không trồng chỗ này thì trồng nơi khác, nhưng liệu số tiền đó có được địa phương sử dụng đúng mục đích trồng rừng hay không, trồng ở đâu, bao giờ trồng lại là chuyện cần bàn. Nếu ngay từ đầu, các nhà quản lý, nhà chuyên môn thận trọng xem xét năng lực của chủ đầu tư và tính toán cụ thể đâu là đất tái định cư, chỗ nào là đất trồng bù rừng mới phê duyệt dự án thì câu chuyện trồng hoàn trả lại rừng của các dự án thủy điện chắc sẽ không rơi vào cảnh “thả gà ra đuổi” như hiện nay./.
“Trồng rừng là chủ trương của Chính phủ, nhưng trên thực tế đúng là chưa làm được bao nhiêu. Nguyên nhân có thể kể đến là diện tích giao cho người trồng chưa được xác định rõ, hoặc là các doanh nghiệp ban đầu làm dự án có cam kết, nhưng quá trình cùng với địa phương triển khai thì có những cái chưa thật sự quyết liệt.
Các chủ dự án thủy điện phải thực hiện nghiêm quy định trồng bù rừng. Nếu không có đất thì cho địa phương một khoản tiền để địa phương phân bổ trồng rừng, tái tạo lại rừng ở đó cho tốt.
Sau đó nữa là trong quá trình vận hành các công trình thủy điện, phải thực hiện cho đúng quy định của nhà nước, tránh tình trạng khi mưa lũ lại gây áp lực cho người dân ở lưu vực”.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng,
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng