Trồng cao su ở Tây Bắc: Bài toán kinh tế "treo"
VOV.VN - "Nếu tôi là họ sẽ không tham gia dự án này vì chưa nhìn thấy hiệu quả. Thêm nữa, sẽ bấu víu vào đâu khi kịch bản xấu nhất xảy ra?"
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc |
Kết luận hiệu quả kinh tế cây cao su...còn chờ
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Foress Trends, người đã dành khá nhiều tâm huyết để nghiên cứu về dự án phát triển cao su ở Việt Nam cho rằng, trồng cao su ở Tây Bắc đang đặt ra rất nhiều vấn đề. “Một là, người dân góp đất trồng cao su thì tư liệu sản xuất sẽ không còn, vậy tương lai của họ sẽ ra sao? Khi không còn nguồn đất phục vụ kế sinh nhai, nguy cơ lấn vào đất rừng rất dễ xảy ra. Hai là, vấn đề về xã hội và văn hóa. Một số diện tích rừng cộng đồng được chuyển sang trồng cao su sẽ mất đi không gian văn hóa của đồng bào. Mà văn hóa là cốt lõi của phát triển. Bài toán đó sẽ phải giải quyết như thế nào?” – Tiến sĩ Tô Xuân Phúc băn khoăn.
Tập đoàn cao su giữ vai trò nòng cốt trong phát triển cao su ở Tây Bắc. Theo lý giải của ông Nguyễn Hồng Phú, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, trong thời gian 2,3 năm đầu, khi cao su chưa khép tán, người dân hoàn toàn có thể canh tác dưới tán cao su và có thêm nguồn thu khi vào làm công nhân của Tập đoàn.
Tuy nhiên, theo phân tích của tiến sĩ Tô Xuân Phúc, nếu lấy trung bình ở khu vực Tây Bắc là 7-8 người mới chỉ có 1 người vào làm công nhân thì số lao động còn lại sẽ sống bằng gì? Chưa nói đến việc một số người không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng vào làm công nhân do quá tuổi, do năng lực lao động và công việc chưa phù hợp.
“Vậy phát triển cao su ở Tây Bắc đã công bằng và có phải liệu tất cả mọi người đều được hưởng lợi? – Tiến sĩ Phúc đặt vấn đề.
Thêm nữa, canh tác trong thời kỳ chờ cao su khép tán chỉ nên sử dụng một số loại cây họ đậu, mà cây họ đậu lại đòi hỏi ánh sáng. Do vậy, xét về hiệu quả kinh tế thì năng suất cây trồng dưới tán cao su không đạt như mong muốn.
Đến nay, diện tích cao su ở Tây Bắc đã đạt 21.300 ha. Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, Lai Châu có rất nhiều địa hình phù hợp cho loại cây công nghiệp “công chúa” này, khi đòi hỏi độ cao không quá 600 mét, độ đốc không vượt 30% và độ dày tầng đất phải đạt từ 60-70cm. Đó là vùng thung lũng sông Đàm, sông Nậm Na, Nậm Mu… Nhờ vậy, chỉ trong vòng 5 năm, diện tích cao su ở Lai Châu tăng rất nhanh, đến nay dẫn đầu 3 tỉnh Tây Bắc với tổng diện tích lên tới 11.000 ha.
Hiện tại, phương thức thực hiện chính sách với người trồng cao su thuộc các tỉnh Tây Bắc chưa thống nhất. Ở Lai Châu, người dân góp đất làm vốn và được chia lãi 10% khi cao su cho mủ và được nhận vào làm công nhân cao su nếu góp đất đạt 1héc-ta và đáp ứng yêu cầu lao động phù hợp. Trong khi đó, ở Sơn La, phương án góp đất lại được tính 1 hec-ta tương đương 10 triệu đồng và người dân được tính lãi theo cổ tức của công ty.
“Đây là mô hình mới, khó làm và vẫn chưa đồng bộ. Hiện tại Bộ tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đang bàn để cho ra chính sách phù hợp” – ông Phú thừa nhận.
Người dân bấu víu vào đâu khi kịch bản cao su xấu nhất?
Như vậy, đến nay cao su ở Tây Bắc mới trồng được 5 năm, kết luận về hiệu quả, năng suất và bài toán kinh tế vẫn đang “treo" theo những dự báo, tính toán của Tập đoàn cao su. Thế nhưng người dân đã góp vốn, góp đất và “đánh cược” cả tương lai của mình vào dự án này.
“Nếu tôi là họ, tôi sẽ không tham gia vì tôi chưa thấy rõ hiệu quả việc làm của mình, tiềm ẩn những rủi ro mà tôi chỉ có tài sản là đất. Thêm nữa, mặc dù người dân đồng thuận nhưng họ thiếu kinh nghiệm, không có thông tin về thị trường, về những diễn biến sẽ xảy ra và khó có khả năng đối phó với kịch bản xấu nhất có thể đem lại…Vậy khi đó, họ sẽ bấu víu vào đâu?” – Tiến sĩ Tô Xuân Phúc đặt lại vấn đề.
Ông Phúc đề xuất trong điều kiện như vậy, rất cần xây dựng quỹ rủi ro cho người dân khi kịch bản cao su xấu nhất xảy ra. Thêm vào đó, phải có chính sách để mọi người dân đều có thể được hưởng lợi từ những thành quả dự án mang lại.
Thay đổi bộ mặt nông thôn không phải từ...cao su
Phải thấy rõ rằng, những đổi thay ở các vùng nông thôn khi trồng cao su về đường sá, hạ tầng không phải từ cao su mang lại mà đều do đồng tiền vốn của nhà nước, nhà đầu tư và của chính quyền cơ sở đổ vào. Vì vậy, đánh giá hiệu quả của trồng cao su ở Tây Bắc cần thận trọng và phải nhìn nhận trên nhiều góc độ để tránh những tổn thương cho tầng lớp rất dễ bị tổn thương là người dân tham gia góp đất.
Hiện nay, dự báo về nguồn cầu cao su thế giới đã cho thấy những diễn biễn bão hòa. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này sẽ tiếp diễn đến năm 2020. Thực tế giá cao su đang rất hạ, chỉ bằng 1/3 thời điểm cao nhất và cho thấy khó có dấu hiệu tăng trở lại trong khoảng thời gian ngắn. Cao su là mặt hàng công nghiệp chủ yếu dành xuất khẩu, vì vậy sẽ phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới.
“Cao su thế giới đang ở mức tiêu thụ bị sụt giảm. Đây là những lưu ý để nghiên cứu thị trường sát hơn. Dự báo của chúng ta còn nhiều vấn đề, chưa thể đưa ra thật chính xác nếu không đủ căn cứ khoa học và thực tiễn.” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cảnh báo.
Như vậy, cho đến nay vẫn chưa có một sự khẳng định chắc chắn nào về hiệu quả kinh tế của cây cao su ở Tây Bắc. Câu trả lời sẽ bỏ ngỏ trong vòng 2,3 năm nữa. Bên cạnh đó, những băn khoăn về cơ chế phân chia lợi nhuận giữa người dân và doanh nghiệp cũng như những tác động của dự án này đến đời sống xã hội, văn hóa cộng đồng cũng rất cần được đánh giá xem xét một cách thấu đáo. Cái giá “đánh đổi” giữa bài toán kinh tế với môi trường và văn hóa phải hài hòa theo đúng quy luật phát triển thì việc làm hôm nay mới không phải là “món nợ”của mai sau./.
Như vậy tạm thời có thể thấy là nếu nghiên cứu kỹ thì trồng cao su ở Tây Bắc là bước đầu thành công, tuy nhiên không phải toàn vùng vì một số người dân vẫn tự ý phát triển cao su ở những nơi không phù hợp nên đã có hiện tượng cao su không phát triển, bị chết…vv
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn