Trồng dược liệu dưới tán rừng: “Cây thoát nghèo” thành “cây làm giàu”

VOV.VN - Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam sở hữu hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Địa phương này đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư trồng và chế biến các sản phẩm từ dược liệu.

Năm 2019, ông Bríu Hùng ở xã Lăng, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tham gia chương trình hỗ trợ phát triển cây dược liệu tại địa phương. Được hỗ trợ 5 triệu đồng và từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Bríu Hùng xây dựng vườn ươm, trồng 2 hecta cây Ba kích tím giống cung cấp cho người dân địa phương. Ông Bríu Hùng cho biết, cây Ba kích tím thực sự mang lại cuộc sống tốt hơn cho đồng bào Cơ tu, góp phần bảo tồn dược liệu quí của vùng cao Tây Giang.

“Từ khi có Nghị quyết về hỗ trợ thì chúng tay xin vay vốn xây dựng trang trại này để nhân giống cây Ba kích cho địa phương, bảo vệ nguồn gen giống Ba kích đặc hữu. Chúng tôi cũng vận động người dân địa phương cùng trồng cây dược liệu. Hiện, người dân đã trồng rất rộng rãi, đây là cơ sở để xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, ông Bríu Hùng nói.

Từ năm 2003, huyện Tây Giang đã quy hoạch, sắp xếp bố trí diện tích trồng dược liệu và ban hành cơ chế chính sách phát triển cây dược liệu. Tận dụng diện tích đất rừng, đồi râm mát có sẵn, người dân trồng hàng trăm hecta cây dược liệu như: Ba kích, Đẳng sâm, Sa nhân, Thảo quả... Cây dược liệu đã giúp đồng bào Cơ Tu nơi đây “đổi đời”. Già làng Bhríu Pố, thôn A Rớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, người được nhiều người biết đến với biệt danh là “Vua Ba kích” của Quảng Nam. Hàng chục năm gắn bó với núi rừng và cây Ba kích, trăn trở lớn nhất của già làng Bhríu Pố là làm thế nào để giống cây quý hiếm này trở thành cây chủ lực giúp người dân địa phương thoát nghèo.

Già Pố hy vọng, đồng bào mình sẽ có người trồng Ba kích giỏi hơn, số lượng nhiều hơn ông: “Thời gian qua, nếu mà không có cây Ba kích thì người dân địa phương khó có thể đổi đời được, xói được đói nghèo. Theo tôi, Ba kích là loại cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian trồng đến chăm sóc không dài lắm, chỉ 3 năm, năng suất thu hoạch thì cao”.

Tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt “Quy hoạch, bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030” với tổng diện tích trên 64.000 hecta. Trong đó, diện tích đã trồng gần 2.500 hecta, diện tích quy hoạch trồng mới trên 61.000 hecta. Tỉnh này cũng ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển một số cây dược liệu gồm sâm Ngọc Linh, Đẳng sâm, Ba kích tím, Sa nhân tím. Tuy nhiên, ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho rằng, các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện nay chưa thể phát huy hết giá trị, chưa xây dựng được giải pháp căn cơ để bảo tồn các loại dược liệu quý tại Quảng Nam. Ngành đề xuất tỉnh thêm 30 loại dược liệu nằm trong danh mục được hỗ trợ để khuyến khích người dân và doanh nghiệp mở rộng diện tích trồng và chế biến sản phẩm từ dược liệu.

“Hi vọng sẽ tạo được động lực mới để phát triển tốt hơn nữa lĩnh vực dược liệu tại tỉnh Quảng Nam. Qua đó sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn, hình thành các chuỗi giá trị, liên kết với người dân chủ động sản xuất cây dược liệu trở thành một hướng phát triển kinh tế tốt hơn trong tương lai”, ông Trần Út chia sẻ.

Từ nhiều Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam về cơ chế, chính sách phát triển cây dược liệu, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn, hợp tác xã đầu tư các dự án vào lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu. Địa phương dành nguồn kinh phí 30 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ thực hiện các dự án hợp tác, liên kết sản xuất các loài dược liệu. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kỳ vọng, những cơ chế, chính sách này sẽ sớm phát huy hiệu quả trong thực tiễn, tạo nền tảng để phát triển chuỗi giá trị sản xuất lẫn tiêu thụ các loài dược liệu đặc hữu tại địa phương.

“Đây chỉ là bước đầu của một ngành công nghiệp phát triển dược liệu thiên nhiên đầy tiềm năng mà tỉnh Quảng Nam vô cùng lợi thế. Hướng phát triển chủ đạo, tạo đột phát cho miền núi sắp tới sẽ là hình thành vùng nguyên liệu. Thực hiện gắn kết giữa vùng trồng nguyên liệu dược liệu với các doanh nghiệp, hình thành một cụm công nghiệp chuyên về sản xuất dược liệu. Đây là một ngành có tiềm năng và giá trị gia tăng rất lớn mà đối tượng hưởng lợi là người dân khu vực miền núi”, ông Lê Trí Thanh nêu rõ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên