Trồng hoa lan trong vườn nhãn cổ để phát triển du lịch

VOV.VN - Mô hình này đang hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho nông dân ở các xã vùng ven biển Thành phố Bạc Liêu.

Thời gian gần đây, người dân ven biển Bạc Liêu đang trồng đầy rẫy các loài hoa phong lan trong chính những vườn nhãn cổ thụ. Tuy mới triển khai thử nghiệm, nhưng mô hình trồng hoa lan đang hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho nông dân ở các xã vùng ven biển Thành phố Bạc Liêu. Đặc biệt, với mô hình này, Bạc Liêu hy vọng sẽ giữ lại được những vườn nhãn cổ có tuổi thọ hơn 100 năm để phát triển du lịch.

Vườn lan đang đươc bà con thử nghiệm

Ông Phan Chí Dũng, cán bộ phụ trách kỹ thuật trồng hoa phong lan Thành phố Bạc Liêu cho biết: “Qua thử nghiệm mô hình trồng hoa phong lan ở vùng đất giồng ven biển Bạc Liêu cho thấy, hoa lan thích ứng tốt, phát triển nhanh và cho nhiều hoa. So với hoa lan nhập từ Thái Lan vào chỉ tươi khoảng 5 ngày, thì hoa lan trồng ở đây có thể kéo dài độ tươi gần 1 tháng. Kết quả này hứa hẹn sẽ tạo nên hướng đột phá mới ở vùng đất giồng khi mô hình trồng hoa lan được coi là mô hình siêu lợi nhuận so với nghề trồng rau, màu truyền thống đã có từ lâu đời tại đây.”

Lâu nay, bên cạnh những khu vườn nhãn cổ, nông dân ở vùng đất giồng ven biển Bạc Liêu chỉ biết trồng rau, màu và nuôi tôm, cua. Tuy nhiên các loại cây trồng, vật nuôi này thời gian gần đây luôn gặp nhiều rủi ro sâu bệnh mất mùa, được mùa, mất giá, nhất là đối với tôm do môi trường nước bị ô nhiễm nặng nề đã tạo ra nhiều áp lực làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Trước thực trạng đất đai bị nhiễm mặn, nhiễm hóa chất, việc thay thế cây trồng, vật nuôi khác không phải là chuyện dễ đối với mỗi địa phương. Tuy nhiên, qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu và thực tế nhiều nơi, cuối cùng Thành phố Bạc Liêu đã mạnh dạn cho triển khai thử nghiệm mô hình trồng hoa phong lan.

Anh Lê Văn Hoài- nhân viên chăm sóc vườn lan cho biết: “Tôi lên Củ Chi học hỏi kinh nghiệm trên những vườn lan lớn ở Củ Chi, về chăm sóc thấy công việc này cũng dễ. Trồng lan chủ yếu mình tưới cho đủ nước và bón phân đúng định kỳ.”.

Ông Dương Thành Trung, Bí thư Thành ủy Bạc Liêu khẳng định, mô hình trồng hoa phong lan ở vùng ven biển Bạc Liêu thành công không chỉ giúp người trồng màu tăng thêm thu nhập, giải quyết thời gian nông nhàn, mà còn góp phần hình thành nên một vùng đất giồng với hàng chục giống hoa lan phục vụ phát triển du lịch sinh thái. Thành phố Bạc Liêu đã quyết định đưa ra mô hình trồng lan dưới gốc nhãn cổ để vừa giữ được nhãn cổ, vừa có sản phẩm mới là du lịch ở vườn nhãn và nhìn ngắm bông phong lan. Bà con đã có kinh nghiệm trồng màu hơn 100 năm nay, do đó khi áp dụng mô hình trồng lan chỉ cần hướng dẫn kỹ là có thể trồng được”.

Cũng theo ông Dương Thành Trung, giồng nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230ha, chạy dài trên 11km đi qua các xã Hiệp Thành, Nhà Mát và Vĩnh Trạch Đông thuộc Thành phố Bạc Liêu. Những năm gần đây do nhãn bị già cỗi, năng suất giảm dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp nên nhà vườn ở đây đã đốn bỏ hàng loạt cây nhãn cổ để chuyển sang trồng các loại cây khác. Mô hình trồng phong lan sẽ là một trong những giải pháp giúp Bạc Liêu bảo tồn hơn 1.180 cây nhãn cổ may mắn còn sót lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên