Trồng lúa giảm phát thải, bán tín chỉ carbon
VOV.VN - Việc phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính đang được Bộ NN&PTNT và các địa phương tích cực triển khai để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COOP 26 về biến đổi khí hậu, hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Mô hình “Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai” được triển khai thí điểm với diện tích hơn 1 hecta tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với giống lúa OM 5451 đã cho kết quả tích cực khi giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng nước tưới; giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận cho nông dân.
Những đánh giá chi tiết cho thấy, lượng giống gieo sạ được áp dụng 60kg/ha, đã giảm đến 3 lần lượng giống so với canh tác lúa truyền thống. Bên cạnh đó, lượng nước tưới giảm gần 50% khi sử dụng phương pháp ngập khô xen kẽ và lượng phát thải khí nhà kính giảm tới gần 25%. Ngoài ra, theo tính toán chi phí đầu vào giảm tới 4 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng tới 54% so với canh tác lúa truyền thống.
Là hộ dân tham gia vào mô hình canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai vụ lúa thứ ba, ông Đỗ Chí Hùng, xã Đông Thuận đánh giá, mô hình canh tác lúa theo hướng giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong quy trình canh tác người dân dễ ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào ruộng lúa nên thuận tiện hơn rất nhiều so với canh tác truyền thống.
Theo ông Hùng, hiệu quả kinh tế từ mô hình mang lại thấy rõ khi giống, phân bón, thuốc trừ sâu giảm rõ rệt; năng suất ổn định; vì thế mà thu nhập của người dân tăng cao so với canh tác lúa truyền thống.
"Mới ban đầu tưởng là khó nhưng khi làm thì thấy rất là dễ. Điểm thứ nhất là sạ cụm, giảm được các bước dặm, cấy, thứ hai là lúa không bị ngã đổ, thứ ba là việc xịt thuốc, bón phân rất dễ. Năng suất đạt được 7 tấn, 7,5 tấn/ha", ông Hùng nói.
Nông dân Dương Văn Siêu, ngụ huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ chia sẻ, mô hình đã chứng minh những lợi ích và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân; đồng thời giảm lượng phát thải khí nhà kính. Đây là điều mà các hộ dân quan tâm đến mô hình và sẵn sàng cam kết tham gia.
"Tôi thấy mô hình rất là hay và ý nghĩa. Hy vọng trong tương lai gần, mô hình này sẽ đem lại lợi ích cho bà con góp phần phát triển kinh tế để cuộc sống ngày một ấm no hơn", ông Siêu cho biết.
Mô hình “canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai” giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác lúa; thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Trồng lúa giảm phát thải, bán tín chỉ carbon là hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp, ước tính bán tín chỉ Carbon cho các tổ chức quốc tế có thể thu về hàng trăm triệu USD. Giúp không chỉ sản xuất bền vững mà gạo Việt Nam sẽ nâng cao được vị thế ở các thị trường.
Ông Nguyễn Đức Lý, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ nhìn nhận: "Mô hình này giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí gồm giống, phân, thuốc và tránh được dịch hại. Điều này sẽ giúp người nông dân lãi cao hơn".
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, sự thành công của mô hình mang lại triển vọng tích cực trong việc nhân rộng tại các tỉnh vùng ĐBSCL thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện chuyển đổi sản xuất để nắm chắc quy trình, kỹ thuật;góp phần thực hiện thành công Đề án một triệu hecta lúa ở ĐBSCL.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thị trường quốc tế không chỉ quan tâm về chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình làm ra sản phẩm lúa gạo; nếu những sản phẩm lúa gạo của Việt Nam sản xuất theo hướng giảm phát thải, bảo vệ môi trường thì sẽ tham gia sâu rộng hơn nữa vào các thị trường thế giới.
"Đối với một sản phẩm khi mà tham gia vào thị trường quốc tế thì ngoài chuyện người ta quan tâm đến năng suất, chất lượng thì họ cũng cần quan tâm sản phẩm đó được làm ra bằng cách nào. Nếu chúng ta có được thương hiệu gạo năng suất, chất lượng nhưng canh tác giảm phát thải, bảo vệ môi trường thì chắc chắn là chúng ta sẽ tham gia sâu rộng hơn vào các thị trường có yêu cầu cao. Trong đề án một triệu hecta, chúng ta có định hướng là làm thế nào để xây dựng thương hiệu gạo và trong đó có các tiêu chuẩn gạo phải sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, và thậm chí chúng ta có gạo giảm phát thải đối với thương hiệu gạo Việt Nam".
Mô hình “Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai” là sự hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty Bayer Việt Nam và nhiều đối tác chiến lược trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Qua 3 vụ lúa triển khai thực hiện mô hình đã chứng minh giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng nước, giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập cho nông dân. Đây là bước khởi đầu quan trọng để nhân rộng mô hình ra các địa phương, góp phần thực hiện thành công Đề án một triệu hec ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp, hướng đến xây dựng ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.