Trung Quốc đang thâu tóm các doanh nghiệp Mỹ?

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ của Trung Quốc có thể lên kỷ lục hơn 8 tỷ USD trong 2012, theo một báo cáo mới công bố ngày 25/7.

Tổng FDI vào Mỹ của Trung Quốc đạt 3,6 tỷ USD nửa đầu năm nay, với 33 thương vụ: 12 vụ thâu tóm và 21 vụ đầu tư mới. Với tốc độ hiện tại, FDI vào Mỹ của Trung Quốc sẽ đạt ít nhất 8 tỷ USD trong năm 2012, vượt qua kỷ lục 5,7 tỷ USD năm 2010, theo báo cáo của hãng nghiên cứu Rhodium Group.

Rhodium đã theo dõi tất cả các vụ thâu tóm và đầu tư ở các cơ sở sản xuất, nhà kho, phòng nghiên cứu và văn phòng ở Mỹ có giá trị trên 1 triệu USD.

Các dự án FDI lớn của Trung Quốc nửa đầu năm nay gồm: Tổng Công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) mua lại 1/3 cổ phần của 5 mỏ dầu và khí đốt khắp nước Mỹ từ Devon Energy; nhà sản xuất ống đồng Golden Dragon của Trung Quốc xây dựng cơ sở sản xuất trị giá 100 triệu USD ở hạt Wilcox, Alabama; và vụ thâu tóm 80% cơ sở của Bank of East Asia ở Mỹ của Ngân hàng công thương Trung Quốc (ICBC) trị giá 140 triệu USD.

Đồng thời, hiện tại vẫn còn những vụ thâu tóm hàng tỷ USD của Trung Quốc đang chờ bao gồm: Dalian Wanda chào mua chuỗi rạp chiếu phim AMC 2,6 tỷ USD, và nhà sản xuất máy bay Trung Quốc Superior Aviation chào mua nhà sản xuất máy bay Hawker Beechraft. Chưa tính các thương vụ khác, nếu 2 thương vụ này thành công, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ sẽ vượt qua 8 tỷ USD trong năm 2012, Hanemann, giám đốc nghiên cứu của Rhodium cho biết.

Trong khi Superior Aviation vẫn chờ chấp thuận của các nhà trức trách Mỹ, thì Wanda và AMC đã tuyên bố ngày 25/7 họ đã được Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ chấp thuận. Điều này nghĩa là thương vụ đã gần hoàn tất, như kế hoạch vào cuối tháng 8, Wanda cho biết.

Trung Quốc mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ bé trong lượng FDI vào Mỹ, tuy nhiên xu hướng này rõ ràng đang tăng. Dòng FDI Rhodium Group theo dõi cho thấy các công ty Trung Quốc đang hoạt động ở ít nhất 37/50 bang của Mỹ ở đa dạng các ngành từ dầu khí, năng lượng tái tạo tới máy bay, điện và ngân hàng.

Trước năm 2008, Trung Quốc chỉ đầu tư vào Mỹ dưới 1 tỷ USD mỗi năm, nhưng sau đó dòng FDI của Trung Quốc vào Mỹ tăng dần, lên 2 tỷ USD năm 2009, đạt kỷ lục 5,7 tỷ năm 2010, sau đó giảm xuống 4,5 tỷ năm 2011.

Ông Hanemann cho rằng những thay đổi trong kinh tế Trung Quốc, vốn đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ suy thoái, buộc các công ty Trung Quốc tìm kiếm những cơ hội tốt hơn ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ.

Báo cáo của Rhodium cũng nhấn mạnh vai trò của chính sách đầu tư ở cả Mỹ và Trung Quốc cởi mở hơn. Về phía Mỹ cải cách thủ tục cấp thị thực đơn giản hơn người Trung Quốc sang công tác và du lịch. Một bước tiến nữa là tuyên bố chính thức chào đón Trung Quốc tham gia phát triển cơ sở hạ tầng ở Mỹ trong Diễn đàn kinh tế chiến lược Mỹ - Trung hồi tháng 5/2012.

Thủ tướng Trung Quốc trong báo cáo tháng 3 với Quốc hội nước này cho rằng đầu tư ra nước ngoài là ưu tiên lớn của chính phủ Trung Quốc. Văn bản trên tuyên bố rằng "đầu tư ra nước ngoài là bước tiến quan trọng để tiếp tục phát triển" và Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ FDI ra nước ngoài cho tất cả các doanh nghiệp mọi lĩnh vực, mọi hình thức sở hữu. Các biện pháp đưa ra bao gồm: đẩy nhanh quy trình chấp nhận, hỗ trợ chính trị và kĩ thuật nhiều hơn, nới lỏng hạn chế đầu tư khu vực tư.

Theo ông Hanemann, Trung Quốc tăng cường đầu tư có cả lợi lẫn hại cho Mỹ. Những nguy cơ tiềm tàng là đe dọa với tính minh bạch và an ninh quốc gia. Còn lợi ích Mỹ thu lại là các doanh nghiệp Trung Quốc đang tạo thêm việc làm và tăng doanh thu thuế ở những nơi họ đầu tư. Một lợi ích gián tiếp khác là khi các công ty Trung Quốc có lượng tài sản lớn Mỹ, họ buộc phải tuân thủ pháp luật Mỹ nhiều hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên