Trung Quốc mua nhiều gạo của Thái Lan là vấn đề đáng suy ngẫm!
VOV.VN -Thủ tướng đã nhấn mạnh điều này sau khi nghe Bộ trưởng Công Thương báo cáo về tình hình xuất khẩu 6 tháng và dự báo đến cuối năm.
Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, những tháng còn lại của năm 2016, dự báo tình hình thương mại quốc tế phức tạp và khó khăn với ta. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 5,9%. Đây là kết quả tích cực vì phần lớn các quốc gia xuất khẩu đều tăng trưởng âm, nhiều nước xuất khẩu tăng trưởng âm 2 con số như: Ấn Độ, Trung Quốc âm 7-8%, Indonesia dưới14%.
“Nỗ lực khai thác cơ hội thị trường vừa qua dù giá trị gia tăng và sự bền vững chưa cao nhưng việc huy động để tạo ra năng lực sản xuất cho xuất khẩu tăng rất lớn” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Trong xuất khẩu, 6 tháng đầu năm sụt giảm cả giá và lượng. Đặc biệt, giá nguyên liệu và dầu khí, than đá sụt giảm, xuất khẩu của ta 2 lĩnh vực này giảm hơn 1,1 tỷ USD. Riêng 22 mặt hàng xuất khẩu giảm giá gần 1,3 tỷ USD. Lượng của ta tăng lên rất lớn, đặc biệt là nông lâm thủy sản. Trong 6 tháng cùng kỳ năm trước tăng trưởng âm 8% năm nay tăng 6%.
Doanh nghiệp FDI năm trước tăng hơn 20,4%, năm nay chỉ tăng 6,9%, DN xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn trong phát triển thị trường. DN trong nước cùng kỳ giảm 2,7%, năm nay tăng 3,3%.
Đánh giá chung từ này cuối năm, Bộ trưởng Công thương cho rằng: “Tình hình thương mại, kinh tế thế giới khó có biến động tích cực, chưa nói đến các vấn đề ảnh hưởng đến giá và các năng lực cạnh tranh xuất khẩu của chúng ta. Nhiên liệu và thị trường nguyên liệu, thị trường nông sản mức độ cạnh tranh rất lớn và giá không có điều kiện hồi phục. Do vậy, năm nay tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nếu quyết liệt khai thác thị trường mới và tiềm năng, cũng như thị trường truyền thống thì tăng trưởng khoảng 8%, còn 10% là rất khó”.
Việc cần làm như tiếp tục tháo gỡ như Thủ tướng chỉ đạo trong các Nghị quyết 19, 35, 01, chúng tôi tạo diều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, sớm đưa các dự án có điều kiện để tăng cường năng lực sản xuất, tạo cơ hội các DN tiếp cận thị trường nước ngoài.
Chỉ thị số 08 của Bộ CT ngày 27/5 đề nghị rà soát các lĩnh vực và từng nhóm giải pháp, trong đó có 4 giải pháp lớn, cùng sự hỗ trợ của cả hệ thống, các địa phương, bộ, ngành để tăng cường phát triển thị trường trong nước, ngoài nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị các địa phương ngoài việc quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN thì nếu không cải thiện các thức tổ chức sản xuất sẽ khó nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm cũng như điều kiện tiếp cận thị trường. “Nông sản của ta vẫn tiếp tục phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Chính vì thế, chúng ta cần lật lại vấn đề xem xét tổ chức sản xuất để ổn định tiếp cận thị trường. Riêng mặt hàng hoa quả trái cây ta có tiềm năng, rất nhiều lần Bộ Công thương và NN-PTNT ngồi với nhau nhưng ta vẫn không tổ chức được một kế hoạch để ổn định lâu dài, ta chỉ đảm bảo được tiếp cận thị trường và khai thác thị trường. Chúng ta vẫn bị động trong từng mặt hàng đơn giản như là mặt hàng dưa hấu. “Vì vậy, đề nghị các địa phương phải theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ tổ chức lại sản xuất theo định hướng, có cách cùng phối hợp với các Bộ ngành để tiếp cận được với thị trường” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết thêm, những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc còn tiềm năng và có những điều kiện phát triển nhưng phải phối hợp đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất là tăng cường sản xuất, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ các dự án đã đầu tư có điều kiện đưa vào hoạt động vào thương mại, sản xuất; tiếp tục khai thác thị trường, tháo gỡ rào cản. Ví dụ thị trường Nhật Bản còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu các loại nông sản, thủy sản, trái cây, nhưng vướng nhiều rào cản kỹ thuật cần sự hỗ trợ của các Bộ, ngành và các giải pháp vĩ mô của Chính phủ.
Đối với những thị trường mới nổi như Trung Quốc, theo Bộ trưởng, rất tiềm năng. Các mặt hàng nông sản, thủy sản và cả hàng công nghiệp dân dụng của chúng ta còn cơ hội. Đây là thị trường tương đối thuận lợi, dễ tính cho sản phẩm của chúng ta nhưng không nên lệ thuộc quá lớn.
Trong kỳ giám sát các điều kiện đăng ký kinh doanh vừa rồi, Bộ đã tiếp thu nhiều ý kiến của các DN, Hiệp hội… Bộ Công thương đã điều chỉnh một cách cơ bản những điều kiện để tạo thuận lợi tối đa cho DN tiếp tục khai thác những thị trường này và rất cần sự phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng Cục hải quan.
Sau phát biểu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thủ tướng nhấn mạnh: “Xuất khẩu là một kênh quan trọng để thúc đẩy sản xuất. Năm nay, chúng ta có nhiều tiềm lực xuất khẩu, 6 tháng còn lại cần đẩy mạnh. Tại sao Trung Quốc mua gạo của Thái Lan nhiều như vậy là vấn đề ta cần phải suy nghĩ. Mục tiêu xuất khẩu chưa thay đổi, cần tập trung vào ngành hàng thế mạnh của Việt Nam”.
Thủ tướng cũng lưu ý, công nghiệp chế biến, chế tạo bị sụt giảm nặng nề ngay quý 1, phải tính toán lại bài bản, “xốc” lại lĩnh vực này./.