Trung Quốc phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho ngư dân Việt Nam
VOV.VN - Ông Trần Cao Mưu, TTK Hội Nghề cá Việt Nam đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn VOV.
Ngày 27/5, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu lạ đâm ở Vịnh Bắc Bộ.
Theo đó, Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối những hành động sai trái, ngang ngược, vô nhân đạo, gây nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam của phía Trung Quốc.
Hội Nghề cá yêu cầu Trung Quốc bồi thường những thiệt hại cho ngư dân, không tái phạm những hành động trên và không gây cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam xung quanh vấn đề này:
Nghe phỏng vấn ông Trần Cao Mưu
PV: Xin ông cho biết quan điểm của Hội nghề cá về hành vi tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam?
Ông Trần Cao Mưu: Trung Quốc liên tục có các hoạt động như: đâm va tàu cũng như cướp bóc tài sản và vật tư thiết bị của các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, đã làm thiệt hại một khối lượng lớn tài sản. Tính từ ngày 7/5 đến nay, phía Trung Quốc gây ra cho ngư dân Việt Nam thiệt hại khoảng trên 4 tỷ đồng. Đây là một hành động vô cùng thô bạo, ngang ngược của phía Trung Quốc.
Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản lên án và yêu cầu phía Trung Quốc phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại này cho ngư dân Việt Nam.
Để buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng của chúng ta chuẩn bị đầy đủ thủ tục pháp lý để kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế.
PV: Thưa ông, đây không phải là lần đầu tiên phía Trung Quốc hành động như vậy mà đã thực hiện rất nhiều lần và chưa biết thời gian tới họ lại có những chiêu bài gì nữa. Vậy, Hội Nghề cá có những giải pháp nào để đảm bảo an toàn cho Hội viên của mình?
Ông Trần Cao Mưu: Chúng ta đã nhiều lần phản đối và nhiều lần phải chịu đựng những hành động như vậy là vì muốn giữ vững nền hòa bình, tình hữu nghị lâu đời của nhân dân Việt Nam và Trung Quốc.
Nhưng chúng ta càng tôn trọng luật pháp bao nhiêu thì Trung Quốc lại càng có hành động thô bạo và ngang ngược hơn. Nhiều đại biểu Quốc hội đã nói: sức chịu đựng của Việt Nam cũng có hạn. Cho nên, nhà nước cần có biện pháp và phương án tốt và quyết liệt hơn bằng nhiều hình thức để đấu tranh, kể cả việc kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế.
Trước mắt, chúng ta kiện Trung Quốc về tội quấy phá, phá hoại tài sản của ngư dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến đời sống, vật chất. Đây là việc làm thiết thực để các ngư dân Việt Nam được sản suất một cách an toàn và cũng là cách chúng ta khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, chúng ta cũng tăng cường đội ngũ cảnh sát biển và kiểm ngư để họ hỗ trợ, bảo vệ an toàn cho ngư dân.
Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam |
PV: Sáng nay (28/5), trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ NN&PTNN Việt Nam đã trình đề án hỗ trợ ngư dân. Vậy ý kiến của Hội Nghề cá Việt Nam về việc này như thế nào?
Ông Trần Cao Mưu: Đề án này cũng đã nói được rất nhiều điều và đây là động thái rất tích cực của các cơ quan chức năng và Bộ NN&PTNN.
Đề án này Chính phủ đã trực tiếp giao cho Bộ NN&PTNN có nghĩa là Chính phủ xem xét và sớm phê duyệt. Tôi tin rằng, đề án này sẽ trở thành hiện thực.
PV: Trong tình hình căng thẳng hiện nay, Hội Nghề cá Việt Nam có những khuyến cáo gì đối với các hội viên?
Ông Trần Cao Mưu: Trong tình thế hiện nay, các ngư dân sản xuất trên biển cần phải đi theo nhóm, đội và tổ chức cũng như tăng cường thông tin liên lạc, đặc biệt là việc liên lạc giữa các tàu với nhau để khi có sự cố sẽ nhận được tin tức sớm nhất. Ngoài ra, chúng ta phải tăng cường thông tin từ các tàu về trạm và bờ, các cơ quan chức năng thật mật thiết.
Hiện tại, ngay trên vùng biển cũng có rất nhiều tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam đang hoạt động vì thế cho nên chúng ta phải kịp thời liên lạc sớm để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ. Trong quá trình sản xuất hay đánh bắt, chúng ta phải đề cao cảnh giác, đấu tranh quyết liệt trên tinh thần bảo đảm đúng pháp luật.
PV: Xin cảm ơn!./.