Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mới nổi
VOV.VN - Bộ Thương mại Trung Quốc hôm qua (17/10) cho biết, nước này sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác thương mại với Việt Nam và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới nổi như công nghệ thông tin, năng lượng mới và kinh tế số...
Tuyên bố trên được ông Hà Á Đông, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh khi đánh giá về triển vọng hợp tác thương mại-đầu tư giữa hai nước Việt-Trung, đặc biệt là sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Cường.
Ông Hà Á Đông dẫn số liệu của phía Trung Quốc cho biết, kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên đã vượt 200 tỷ USD trong 3 năm liên tiếp và tiếp tục đạt 190,38 tỷ USD trong 9 tháng năm 2024, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông nhấn mạnh, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Việt Nam cũng là điểm đến đầu tư nước ngoài quan trọng đối với Trung Quốc. Từ tháng 1-8/2024, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp 1,97 tỷ USD vào Việt Nam, duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhanh.
Ông Hà Á Đông khẳng định: “Trong bước tiếp theo, Bộ Thương mại sẽ thúc đẩy cải thiện và nâng cấp hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên, mang lại lợi ích tốt hơn cho nhân dân hai nước".
Về phương hướng hợp tác giữa hai bên, ông Hà Á Đông cho biết, hai nước sẽ tích cực nghiên cứu và thí điểm triển khai xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới nổi như công nghệ thông tin, năng lượng mới và kinh tế số....
Hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác thương mại song phương, ủng hộ doanh nghiệp hai bên tận dụng tối đa các nền tảng như Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE), Hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair) và Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO), mở rộng trao đổi thương mại nông, thủy sản chất lượng cao và thành phẩm công nghiệp.
Bên cạnh đó, hai nước sẽ đi sâu hợp tác chuỗi cung ứng, hỗ trợ hai bên tăng cường hợp tác giữa các khu công nghiệp và địa phương, thúc đẩy sự phát triển tích hợp của các ngành công nghiệp, tăng cường gắn kết cung cầu và xây dựng chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng xuyên biên giới ổn định, thông suốt.
Hai nước cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa hội nhập kinh tế khu vực, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên khai thác triệt để lợi thế từ các thỏa thuận và chính sách hợp tác kinh tế-thương mại song đa phương như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khu vực Thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN phiên bản 3.0...