Trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM phải thực sự khác biệt
VOV.VN - Để thu hút được nguồn vốn, cần phải tạo được sự khác biệt về mô hình phát triển của trung tâm tài chính TP.HCM và cần những chính sách đột phá, đặc thù.
TP.HCM tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện đề án hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Tại hội thảo mới đây, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế khẳng định rằng, TP.HCM hội tụ đủ điều kiện để trở thành trung tâm kinh tế quốc tế. Song, để thu hút được nguồn vốn thì cần phải tạo được sự khác biệt về mô hình phát triển của trung tâm tài chính và cần những chính sách đột phá, đặc thù.
Tạo điều kiện để tập đoàn tài chính đa ngành phát triển
Các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, TP.HCM đang là một trung tâm tài chính và có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Thành phố là nơi hội tụ, thu hút dịch vụ mang tính toàn cầu, nơi có cộng đồng công nghệ tài chính (Fintech) phát triển rất sôi động. Về múi giờ, TP.HCM cũng thuận lợi cho giao dịch tài chính quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam còn tồn tại một số điểm yếu như năng lực cạnh tranh, sự bền vững trong tăng trưởng, các dịch vụ cộng đồng công nghệ tài chính sẽ phát triển thành tổ chức tài chính số hay chỉ là những startup chết yểu.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fulbright cho rằng, ngân hàng số là xu hướng phù hợp mà thành phố nên tập trung phát triển. Song, chúng ta chưa có không gian pháp lý cho tập đoàn tài chính đa ngành, đa dịch vụ hoạt động. Trong khi đó, khi thành lập trung tâm tài chính quốc tế rất cần sự xuất hiện của các tập đoàn tài chính đa ngành. Bên cạnh đó, với một trung tâm tài chính quốc tế rất cần thực hiện việc tự do hoá tài chính và chúng ta cần phải có lộ trình để thực hiện vấn đề này.
“Chúng ta có thế mạnh Fintech, ngân hàng số đã phát triển, mới nổi để đưa nó thành một cấu phần quan trọng trong hệ sinh thái trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Chúng ta có ngân hàng thương mại truyền thống, công ty chứng khoán truyền thống hoạt động trên thị trường vốn, ngân hàng thương mại trên thị trường tiền tệ. Nhưng để kết hợp 2 hệ thống này, chúng ta phải mạnh dạn thúc đẩy mô hình và cấp phép cho tổ chức tài chính hoạt động theo tập đoàn tài chính”, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM, đối với các trung tâm tài chính quốc tế lâu đời trên thế giới, xung quanh luôn có các trung tâm tài chính vệ tinh, nhiều nhất là Trung Quốc, Malaysia... Với Việt Nam, do hình thành sau nên phải tạo nên sự khác biệt để cạnh tranh. Dựa vào lợi thế hàng hải, cảng biển, chuyên gia kinh tế Trần Ngọc Thơ cho rằng, chúng ta nên hình thành trung tâm tài chính chuyên về hàng hải, logistics…. Điều này, TP.HCM có thể tham khảo từ Busan (Hàn Quốc), một mô hình tài chính rất hiệu quả.
“Lợi thế chính là TP.HCM có cảng biển có thể kết nối với cảng Cái Mép, cảng thị Vải, thậm chí kết nối với cảng hải Phòng để tạo ra trung tâm tài chính quốc tế chuyên biệt về hàng hải, logistics và sản phẩm phái sinh, không phải chỉ là hàng hóa không. Bussan kết nghĩa với TP.HCM chúng ta có thể học hỏi mô hình này tạo ra sự khác biệt”, ông Thơ chỉ rõ.
Phải tạo được sự an tâm cho nhà đầu tư
Hiện nay, nhà đầu tư đang rất chờ đợi sự ra đời trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM. Cho nên, chính quyền thành phố cần thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình thành lập trung tâm. Bởi, nếu chậm thì sẽ mất rất nhiều cơ hội, dòng vốn sẽ dịch chuyển tới các trung tâm tài chính khác trong khu vực.
Theo ông Johan Nyvene, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cố vấn cao cấp của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM, để thu hút nguồn vốn, chính quyền cần chuẩn bị về cơ sở hạ tầng vật chất, nắm bắt được nhu cầu nhà đầu tư quốc tế và nhất là nhà đầu tư vận hành và nhà đầu tư tài sản...:
“Nhà đầu tư cần gì? Họ cần có một thể chế quản lý rủi ro rất cao, bởi khi bỏ tiền vào họ sẽ sợ mất tiền. Khi nào chúng ta chưa làm cho nhà đầu tư an tâm với thể chế quản lý rủi ro thì nhà đầu tư chưa dám bỏ tiền vào. Như vậy chúng ta cần có lộ trình để làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư mà vẫn vừa có lợi cho nhà nước, cho người dân Việt Nam”, ông Johan Nyvene khuyến cáo.
Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM hình thành sau các trung tâm khác trong khu vực và thế giới. Cho nên, muốn phát triển như mong đợi thì chúng ta cần có những đột phá về chính sách, tạo dựng hành lang pháp lý quan trọng để trung tâm này trở thành lực hút đối với các nhà đầu tư./.