TS Lê Xuân Nghĩa: Điều hành còn giật cục

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mấu chốt hiện nay là phải xử lý nợ xấu để có thể hạ lãi suất thêm nữa và giúp lưu thông vốn, cải thiện tình trạng suy giảm sức mua, giải phóng hàng tồn kho… giúp nền kinh tế dần phục hồi.

Nền kinh tế đang mắc bệnh hiểm nghèo

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là cái giá phải trả cho một thời kỳ phát triển bất ổn. Đó là do nước ta đã có những chính sách gây sốc, giật cục, không bài bản. Tuy nhiên, mặc dù cái giá này đắt, nhưng vẫn còn có những tiến bộ đang hiện rõ. Đó là lạm phát xuống sâu, tỷ giá hối đoái ổn định, thanh khoản của ngân hàng đang phục hồi và dự trữ quốc gia tăng.

TS Lê Xuân Nghĩa

Đặc biệt, TS Nghĩa cho rằng, nền kinh tế nước ta đang như vướng vào căn bệnh hiểm nghèo. Biểu hiện nguy hiểm nhất là tình trạng suy kiệt vốn và đóng băng thị trường.

Lấy ví dụ bài học từ nền kinh tế Nhật Bản, TS Nghĩa cho biết: Năm 1990, nền kinh tế Nhật Bản cũng rơi vào tình cảnh giống Việt Nam hiện nay. Lúc đó nợ xấu các ngân hàng Nhật Bản thông báo là 2.000 tỷ Yen. Chính phủ chủ quan cho rằng đây là không lớn, nên Chính phủ kích thích nền kinh tế bằng mở rộng chính sách tài khóa, tăng cường xây dựng cơ bản.

Sau 3 năm thực hiện chính sách đó, nền kinh tế Nhật Bản vẫn không nhúc nhích. Khi đó, Chính phủ Nhật Bản xem xét hệ thống ngân hàng thì nợ xấu đã là 40.000 tỷ Yên. Do đó, Chính phủ bắt đầu tính chuyện xử lý nợ xấu. Cuộc giằng co, tranh luận xử lý nợ xấu kéo dài 1,5 năm. Và sau đó khiến Nhật Bản rơi vào 16 năm nền kinh tế đình đốn, không thể tăng trưởng.

Từ ví dụ này, TS Nghĩa nhận định, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang trong tình cảnh tương tự. Và ông còn cho rằng, không phải do ngân hàng gây ra đóng băng mà nền kinh tế rơi vào tình cảnh người có tiền không dám cho vay, người muốn vay cũng khó vay.

TS Nghĩa cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải xử lý nợ xấu bằng mọi giá. Bởi nếu càng chậm, nợ xấu càng gia tăng. Vì so như Nhật Bản, sau 1,5 năm, nợ xấu từ 2.000 tỷ Yen đã lên 40.000 tỷ Yen. Còn Việt Nam, mới từ đầu năm 2012 đến nay, số nợ xấu đã tăng lên gấp 1,5 lần.

Quản lý kinh tế giật cục, tất khủng hoảng

Nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư toàn xã hội, với 3 nguồn: Đầu tư nước ngoài, đầu tư công của Chính phủ và đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, 6 tháng qua, đầu tư từ nước ngoài chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD/tháng; Đầu tư công của Chính phủ giải ngân rất chậm, chỉ được 12.000 tỷ đồng/tháng. Từ nay đến cuối năm, buộc phải giải ngân 24.000 tỷ/tháng mới đạt kế hoạch. Còn đầu tư tư nhân đang bế tắc, vì 6 tháng qua không có đồng tín dụng mới nào cho nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng bằng 0.

TS Nghĩa cho rằng, từ nay đến cuối năm, khả năng điều chỉnh lãi suất huy động xuống nữa là rất thấp, còn lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều vào tiến độ xử lý nợ xấu

Từ thực trạng này, TS Nghĩa nhận định về 6 tháng cuối năm: Nếu tín dụng tăng 1%/tháng thì tăng trưởng kinh tế năm nay 4,9-5,1%, lạm phát 5 tháng sau đó (do độ trễ chính sách 5 tháng) sẽ dưới 0,5%/tháng; Nếu tăng trưởng tín dụng 1,5%/tháng, tăng trưởng kinh tế cũng chỉ đạt 5,2%, lạm phát 5 tháng sau đó chỉ xấp xỉ 1%. Như thế lạm phát sẽ lên 2 con số;

Còn nếu tăng trưởng tín dụng lên 2%/tháng (12%/6 tháng như mục tiêu Chính phủ đề ra), tăng trưởng kinh tế có thể 5,4-5,6%, nhưng lạm phát 5 tháng sau đó có thể gần 20%/tháng, tức là quay lại như thời kỳ lạm phát cao của năm 2011.

Như vậy, chúng ta rơi vào tình huống 6 tháng vừa rồi tín dụng chậm, ngân sách chậm, thì 6 tháng cuối năm phải bù lại, nhưng sức hấp thụ của nền kinh tế đang rất kém. “Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách phải rất cân nhắc”- TS Nghĩa nhấn mạnh. Vì, theo TS Nghĩa, nếu tín dụng tăng 20%/năm mà rải đều cho 12 tháng là bình thường, nhưng chỉ cần 10% mà dồn vào 6 tháng là rất nguy hiểm.

Tình trạng khó khăn này, TS Nghĩa cho rằng, do chúng ta có sự phối hợp rất kém giữa chính sách ngân sách của nền kinh tế và chính sách tiền tệ, tài khóa. Lẽ ra tổng đầu tư toàn xã hội các quý phải ngang nhau, nhưng có tình trạng đầu năm thì nhởn nhơ, nhưng cuối năm lại chạy vội. “Đây là kiểu quản lý, điều hành nền kinh tế giật cục tất dẫn đến đổ bể, khủng hoảng”-TS Nghĩa khẳng định.

Bên cạnh đó, TS Nghĩa còn cho rằng, do các nhà làm chính sách đã không lường trước được yếu tố tâm lý. Thực tế, vì tâm lý nên dân chúng thay đổi tài sản của họ tại ngân hàng rất nhanh, chuyển từ nội tệ thành ngoại tệ, hoặc ngược lại.

Thực trạng này liên quan trực tiếp đến vấn đề lãi suất. Bởi lãi suất tiền Việt vừa qua rất cao, nhưng lãi suất ngoại tệ rất thấp. Sự chênh lệch này rất lớn nên các ngân hàng thương mại bán ngoại tệ để chuyển sang nội tệ. Dân chúng cũng gửi chủ yếu bằng nội tệ, bán ngoại tệ đi, nên đang có tình trạng “ngoại hối âm” tại ngân hàng.

Muốn giảm lãi suất thêm 3%, phải xử lý tốt nợ xấu

Có nhiều chuyên gia cho rằng, 6 tháng cuối năm, dư địa để hạ lãi suất tiền gửi chỉ còn có thể giảm 1% nữa. TS Nghĩa nhận định: Nếu lãi suất tiền gửi VND xuống dưới 8%, dân sẽ đổ xô đi mua ngoại tệ, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại cũng sẽ theo đà này. Và lại trở lại trạng thái ngoại tệ dương tại các ngân hàng. 

Hơn nữa, ngân hàng thương mại đang có nhiều nợ xấu nên phải dựa vào lãi cho vay để giải quyết dự nợ xấu. Vì thế, nói dư địa để hạ lãi suất tiền gửi còn 1% và lãi cho vay còn 3%, nhưng nếu không xử lý được nợ xấu, dư địa hạ lãi suất cho vay cũng chỉ còn 1%.

Do đó, “từ nay đến cuối năm, khả năng điều chỉnh lãi suất huy động xuống nữa là rất thấp, còn lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều vào tiến độ xử lý nợ xấu”- TS Nghĩa khẳng định.

TS Nghĩa còn cho rằng, do lạm phát, cần thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ngân hàng đã tăng lãi suất. Nhưng, hậu quả tăng lãi suất quá cao đã gây khó cho sản xuất, tiêu dùng khi sức mua giảm, tồn kho tăng, doanh nghiệp khó khăn và không thể trả nợ của ngân hàng. Do đó, cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng gặp khó. Đây là tình trạng suy kiệt vốn trong nền kinh tế.

Cho nên, mấu chốt hiện nay vẫn là phải xử lý nợ xấu để có thể hạ lãi suất thêm nữa và giúp lưu thông vốn và cải thiện tình trạng suy giảm sức mua, giải phóng hàng tồn kho… giúp nền kinh tế dần phục hồi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên