Tư duy mở lối
VOV.VN - Những đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã khẳng định tính hiệu quả của việc chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lần đầu tiên nông nghiệp được xác định là lợi thế quốc gia, mở ra tư duy mới về nông nghiệp.
Chính sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm của người nông dân và ngành nông nghiệp đã tiên phong trong đổi mới tư duy, góp phần quan trọng vào thành tựu xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực ở Việt Nam.
Nghị quyết 10 (thường gọi tắt là Khoán 10) năm 1988 về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” tạo ra bước nhảy vọt cho toàn ngành nông nghiệp. Chỉ sau 2 năm áp dụng, lần đầu tiên nước ta không phải nhập khẩu gạo để cứu đói.
Nghị quyết 26 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là Nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, trong đó khẳng định “nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Nghị quyết 26 là kim chỉ nam để những người nông dân có khát vọng vươn lên, làm giàu, có thể tìm tòi, sáng tạo, biến bất lợi thành ưu thế: “Nghị quyết 26 tạo động lực, nông dân thì phát huy vai trò chủ thể, đã tích cực tham gia vào cơ cấu lại ngành nông nghiệp, mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin để góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện”.
Những đổi mới về tư duy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã giúp năng suất và sản lượng nông nghiệp trong hơn 30 năm qua luôn tăng trưởng. Tuy vậy, sự phát triển nóng cũng đã có tác động không nhỏ tới môi trường, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, những lo ngại về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Chúng ta theo đuổi chiến lược sản xuất nông nghiệp tăng trưởng sản lượng cao quá chứ không phải là chất lượng. Tốn rất nhiều nguồn lực, tốn nhiều phân bón, tốn nhiều nước, tốn nhiều xăng dầu, … tức là chi phí tăng vọt lên rất nhiều”, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn.
Nhằm tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn của ngành nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu quan trọng cần hướng tới, đó là “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Để làm được điều này, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp quan trọng.
Tư duy kinh tế nông nghiệp của vợ chồng lão nông Ngô Tân và Viễn Thị Phường đã mang lại sức sống cho cả vùng đất gò đồi Quang Thượng, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Mô hình trang trại tuần hoàn nuôi bò và trồng cây ăn quả trên diện tích 3 hecta đang mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Năm nay, ông bà đều đã ở tuổi ngoài 60.
20 năm trước, ông Tân bắt đầu với mô hình nuôi bò. Được Trung tâm khuyến nông chuyển giao quy trình và hỗ trợ giống trùn quế, ông mạnh dạn đưa mô hình vào sản xuất. Có nguồn phân trùn quế, ông bà đầu tư trồng cây ổi theo hướng hữu cơ, sinh khối trùn quế được sử dụng để chăn nuôi.
“Mô hình này đem lại lợi nhuận kép cho nhà nông. Mô hình ấy là mình tận dụng hết chứ không bỏ ra chi phí ngoài, nhờ đó, đem lại lợi nhuận gấp đôi. Nhân dân cũng người ta ủng hộ vì mình làm mô hình sạch”, ông Tân phấn khởi.
Tích cực chia sẻ cách làm ăn và hỗ trợ cho bà con xung quanh, ông Tân đã giúp cho 10 hộ thực hiện mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi: “Giúp đỡ bà con cũng là tạo điều kiện làm ăn cho mình rồi còn phát triển để mở rộng ra”.
Không riêng tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, thực tế những năm qua, nông dân ở nhiều vùng miền đã có những thay đổi từ trong cách nghĩ đến cách thức tổ chức sản xuất, hướng tới gia tăng giá trị và phát triển bền vững.
“Chúng tôi kết hợp với Hàn Quốc để có phòng lab nghiên cứu và cho ra những chủng men vi sinh phù hợp với từng loại cây trồng, đưa năng suất lên một mức tối đa. Và liên kết rất nhiều đối tác quốc tế để đầu ra được tốt hơn”, một nông dân chia sẻ.
Đây là xu thế, là nét chấm phá đầu tiên của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Thủ tướng đã phê duyệt, cũng như đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo tư duy Nghị quyết Đại hội XIII. Đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Tư duy thay đổi, năm 2023 và 11 tháng năm 2024, ngành Nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ lúng túng, bị động, bất ngờ sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo vượt khó khăn, thách thức; đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự chống đỡ sang tấn công đột phá; một số ngành rau củ quả, gạo, một số cây công nghiệp, lập kỷ lục mới; vai trò vị thế của ngành Nông nghiệp Việt Nam ngày càng được khẳng định. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, để tư duy này lan tỏa, cần có sự “chung sức, đồng lòng” từ trung ương đến địa phương, từ người nông dân đến người làm chính sách.
“Chúng ta phải có một tư duy mới. Phải hình thành một hệ sinh thái để thúc đẩy nhanh hơn. Câu chuyện này để đi độc lập một viện, một trường, một chuyên gia, một nhà khoa học, một ông nông dân thì không bao giờ đi được! Nó phải thành một chuỗi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Từ Nghị quyết của Đảng thành hiện thực trong cuộc sống là một quá trình thử thách gian nan giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái bảo thủ. Những quyết sách lớn của Đảng trong nông nghiệp như Khoán 10, Nghị quyết 26, Nghị quyết 19 đã tạo bước phát triển nhanh chóng cho sản xuất và đời sống nông dân, làm nông thôn khởi sắc mạnh mẽ. Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn hiện nay cũng đang cần những cú hích về cơ chế, chính sách để tạo động lực cho những thành tựu mới, trong đó nông nghiệp thông minh phải là đột phá.
Bài viết cùng loại bài: "Nông nghiệp Việt Nam: Đột phá từ tư duy phát triển"
Bài 1: Tư duy mở lối
Bài 2: Nguồn đột phá
Bài 3: Nền nông nghiệp tử tế