Tư nhân không mặn mà với công nghiệp phụ trợ

Do dung lượng thị trường quá nhỏ bé, chính sách khuyến khích ưu đãi lại không có, các doanh nghiệp tư nhân gần như không quan tâm CNPT.

Công nghiệp phụ trợ (CNPT) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, CNPT vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước. Bằng chứng là chúng ta chưa có biện pháp dài hạn, tổng đầu tư chưa tương xứng, môi trường pháp luật và kinh doanh chưa bảo đảm cho CNPT phát triển…

Cần một “làn gió mới”

TS Trần Văn Phùng – Học viện Tài chính đặt câu hỏi: “Có nhất thiết phải phát triển công nghiệp phụ trợ hay không? Câu trả lời là có bởi vì động lực thu hút FDI quan trọng nhất là mức độ phát triển công nghiệp phụ trợ”.

Dẫn chứng của TS Trần Văn Phùng đưa ra cho thấy, các nước đang phát triển đều muốn thu hút FDI từ các quốc gia phát triển và đặc biệt từ các tập đoàn đa quốc gia (MNC). Khi lựa chọn quốc gia để đầu tư ra nước ngoài các MNC nhìn vào nhiều yếu tố trong đó các yếu tố quan trọng nhất là sự ổn định chính trị, nhân công sẵn có với giá rẻ và sự phát triển của công nghiệp phụ trợ.

Việt Nam có lợi thế về lao động giá rẻ. Tuy nhiên, vai trò này ngày càng giảm đi bởi trong tổng chi phí tạo ra một sản phẩm chi phí lao động chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với chi phí về linh kiện, phụ tùng. Ví dụ, trong cơ cấu chi phí sản xuất các sản phẩm điện gia dụng và hàng điện tử tiêu dùng, chi phí lao động chỉ chiếm trên dưới 10%, trong khi chi phí cho các phụ tùng, phụ kiện lên tới gần 70%.

Chia sẻ quan điểm này, TS Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam bổ sung: Do luôn luôn phải nhập khẩu nguyên liệu và các bán thành phẩm cho sản xuất lắp ráp trong nước, hầu hết các nước đang phát triển lâm vào tình trạng nhập siêu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ giải quyết căn bản tình trạng nhập siêu của nền kinh tế các quốc gia đang phát triển, bảo đảm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu.

Việt Nam chưa tận dụng được các cơ hội phát triển công nghiệp phụ trợ (ảnh KT)

Thực tế cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của phát triển CNPT. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này vẫn chưa cụ thể và không phổ biến trong giới lãnh đạo Việt Nam, công chức hay cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Bằng chứng được TS. Trương Thị Chí Bình - GĐ Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (Bộ Công Thương) đưa ra là: “Cho đến nay, chưa có một tổ chức quản lý nhà nước về CNHT để đề xuất và thực hiện chính sách khuyến khích phát triển CNPT một cách cụ thể, sát thực. Vì vậy, các chính sách và các chương trình phát triển CNPT quốc gia hầu như chưa có. Do dung lượng thị trường quá nhỏ bé, chính sách khuyến khích ưu đãi cho CNPT lại không có, các doanh nghiệp tư nhân gần như không quan tâm đầu tư phát triển vào lĩnh vực được coi là các ngành thâm dụng công nghệ và vốn này”.

Theo ông Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại): “Chúng ta đã đi quá chậm và đã dể mất nhiều thời gian vì chưa quan tâm đúng mức. Giờ phải làm mạnh để bù thời gian mất”.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ còn nhiều điểm phải bàn như: “Diện sản phẩm lựa chọn quá rộng, không phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn, lại làm phân tán nguồn lực hỗ trợ trong khi nguồn lực của ta còn hạn chế. Chính sách hộ trợ tài chính không rõ ràng, lại phải phê duyệt từng đề án, hạn chế tính chủ động của doanh nghiệp. Thiếu các định chế trung gian để hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm CNPT (như chính sách phát triển các khu ươm tạo công nghệ, các quỹ đầu tư mạo hiểm... Không có tổ chức chuyên lo thúc đẩy phát triển CNPT”.

Nhưng không phải vơ bèo…

Theo ông Trương Đình Tuyển, việc lựa chọn phát triển các sản phẩm hỗ trợ cần dựa vào các tiêu chí sau: Phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp trong một thời gian đủ dài. Có các cơ sở chế tạo và lắp ráp ở trong nước (đây là yếu tố cần tính đến nhưng không phải là yếu tố quyết định nhất, vì nếu có khả năng cạnh tranh có thể xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ra thị trường thế giới nhất là xuất khẩu vào các thị trường có FTA).

Từ các tiêu chí này, do nguồn lực có hạn, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNPT chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc lựa chọn các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam nên tập trung vào các sản phẩm: Các chi tiết phụ tùng cơ khí; Các linh kiện, bộ phận của thiết bị điện (bao gồm điện gia dụng, thiết bị điện văn phòng) và điện tử; Các loại khuôn đúc, khuôn dập.

“Là nước đi sau, hàng rào bảo hộ bị giảm thiểu, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, chỉ có thể phát triển được công nghiệp hỗ trợ nếu có chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển đủ mạnh” – ông Tuyển nói.

Theo TS Trương Thị Chí Bình, các năm qua Việt Nam chỉ tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn để nhanh chóng lấp đầy các khu công nghiệp và tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp tăng đột biến, mà hoàn toàn không quan tâm đến các doanh nghiệp FDI nhỏ. Chính vì vậy, năng lực của CNPT Việt Nam hiện tại hết sức nhỏ bé. Vai trò hỗ trợ trung gian của các tổ chức, các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện rõ, kể cả ở khâu hoạch định chính sách kế hoạch đến thực thi. Các chương trình phát triển CNPT do một số tổ chức xúc tiến đã hình thành, nhưng chưa có chương trình nào thật sự hiệu quả, bởi chưa có các chính sách nhất quán về phát triển CNPT cũng như chương trình hành động phù hợp, hầu hết vẫn dừng lại ở các hội thảo khởi động kêu gọi sự chú ý của công luận. Doanh nghiệp, đối tượng trực tiếp của các hoạt động này vẫn chưa nhận được các hỗ trợ thích đáng cần thiết.

Nguồn tài chính cho phát triển CNPT vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Theo TS Phạm Tiến Đạt - Phó chủ nhiệm bộ môn TCDN - Học viện ngân hàng: “Chi đầu tư cho các đề án, chương trình trọng điểm của Nhà nước nhằm phát triển CNPT. Với thực tế NSNN có hạn, để đảm bảo đầu tư tập trung và đồng bộ, đòi hỏi phải được đầu tư có trọng điểm. Muốn thực hiện đầu tư có trọng điểm cần phải định ra tiêu chuẩn và thứ tự ưu tiên rõ ràng, dựa trên chiến lược phát triển CNPT trong mối quan hệ thống nhất với chiến lược phát triển khoa học-công nghệ…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên