Tư thương ép giá người trồng vải, cân điêu
Có những chủ vựa vải sử dụng chiêu trò, ép giá, làm giá, cân điêu…, khi bị bắt quả tang, chủ vựa vải vác cân bỏ chạy.
Phát lên loa cảnh báo chủ vựa "cân điêu"
Hàng loạt những chiêu trò làm giá, ép giá của tư thương đối với người trồng vải trong mùa vải rộ. Lực lượng liên ngành của Lục Ngạn những ngày này phải căng sức để đảm bảo an ninh trật tự và ổn định tình hình ở chợ vải đầu mối lớn nhất miền Bắc.
Theo Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), ông Nguyễn Mạnh Hà, tình trạng cân điêu, cân dối, ép giá... của các chủ thu mua vẫn xảy ra, dù lực lượng chức năng đã cử người thường xuyên giám sát tại các điểm thu mua.
“Tại các điểm thu mua di động, chủ thu mua dễ sử dụng các chiêu trò cân điêu, cân thiếu để có lợi cho mình. Khi thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra, họ cho tất cả đồ nghề lên xe di dời sang địa điểm mới” - ông Hà nói.
Những chiêu trò, cách thức cân điêu, cân gian dối của người đi thu gom vải, cơ quan chức năng và người bán không còn lạ.
Tại điểm cân cố định, với một mã cân khoảng dưới một tạ thì sai số từ 1-2kg. Sai số này, hầu như người bán bỏ qua vì đang mùa vải rộ, họ còn tranh thủ về nhà chở vải mang đi bán tiếp.
Thế nhưng, với những mã cân hơn 100 kg trở lên, chủ cân ăn bớt được từ 10-20 kg/mã cân của người bán vải.
“Họ sử dụng một chiêu thức khá tinh vi. Hệ thống lò xo bên trong, họ sẽ gia cố thêm một lớp lò xo nữa ở trong lõi nhưng ngắn hơn. Với những sọt vải năng trên 1 tạ, đến vạch cân trên 1 tạ, nó lún đến lớp lò xo thứ hai, đồng hồ cân sẽ không chuyển số nữa”.
Khá nhiều trường hợp gian dối này đã bị lực lượng quản lý thị trường bắt quả tang.
“Hình thức xử lý sẽ là lập biên bản, phạt hành chính tại chỗ, tịch thu cân của chủ cân gian dối. Cũng trong ngày, tên, địa điểm thu mua của chủ vải này sẽ được phát trên loa truyền thanh các xã để người trồng vải được biết”.
Với phương thức xử lý như trên, nhiều chủ vải đã dè chừng, lo sợ.
“Ngày 19/6 vừa qua, chúng tôi đã lập biên bản xử lý một điểm cân gian ở xã Hồng Giang. Những trường hợp như trên, UBND huyện Lục Ngạn kiên quyết xử lý. Nhiều điểm, khi đoàn kiểm tra liên ngành đến, chủ vựa vải dùng chân đạp vào bàn cân, và lấy lý do đó để nói cân bị sai số. Có chủ cân còn ôm cân bỏ chạy... ” - ông Hà cho hay.
Lợi dụng tắc đường ép giá vải
Nhiều người đi bán vải bức xúc cho biết, người trồng vải không chỉ bị “ăn bớt” vì cân điêu, cân dối, họ còn bị tư thương ép giá vì... tắc đường.
Thông thường, người chở vải cứ chạy xe qua các điểm để khảo giá, điểm thu mua nào được giá sẽ bán. Tuy nhiên, trong những giờ cao điểm, những điểm nút tại thị trấn Chũ, Kép, Lim... bị tắc nghẽn nhiều giờ. Hàng trăm xe máy chở vải bị “đút nút” không có đường rút.
Lợi dụng thời điểm này, nhiều chủ thu mua đứng ra ép giá người bán. Giá một kg vải sẽ được trả thấp hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg.
“Vải hái từ trên cây xuống, dưới cái nắng oi ả của những ngày giữa hè như này, chỉ cần 30 phút là héo cuống, thâm vỏ, xấu mã đi rất nhiều. Nếu không tranh thủ bán nhanh sẽ bị mất mã, đồng nghĩa với mất giá” - anh Lam cho biết.
Nắm được tâm lý đó, các chủ thu mua đã ép người bán vải.
Những người không kiên trì, hầu hết đều phải chấp nhận bán rẻ hơn 1-2 giá. Một sọt vải nặng hơn một tạ, người trồng vải mất từ 100.000-200.000 đồng.
Về trường hợp bị cân điêu, cân thiếu, anh Lam xác nhận: chính anh cũng từng là nạn nhân của một chủ thu mua vải thiếu trung thực. “Chúng tôi năm nào, mùa nào chẳng đi bán vải. Một sọt vải, cữ của nó chừng bao nhiêu chúng tôi ước lượng tương đối chính xác, chỉ sai lệch cùng lắm 2-3 kg là cùng.
Trong một lần cân, sọt vải gần một tạ ba của anh Lam được báo mã cân hơn 100 kg, anh Lam phải đứng đôi co với chủ cân. Cuối cùng, họ phải chấp nhận mã cân đó của anh Lam là 125kg.
“Nếu không cứng rắn, sẽ bị “móc túi” dễ dàng như vậy. Một cây vải, một năm cho từ 80-100 kg. Chỉ một mã cân mà họ đã lấy đi của mình gần nửa cây vải, không ai chịu được cả” - anh Lam cho biết.
Mùa vải 2014, để bảo vệ người trồng vải và an ninh trật tự cho tại các điểm thu mua tập trung, UBND huyện Lục Ngạn đã thành lập hai tổ công tác liên ngành bao gồm quản lý thị trường; quản lý trật tự giao thông; lực lượng chống gian lận thương mại của các đơn vị CSGT, công an huyện; giao thông xây dựng...
“Mỗi một tổ có 16 cán bộ. Tuy nhiên, con số này cũng chưa thấm vào đâu so với số lượng lớn các điểm cân trên khắp địa bàn huyện” - trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng Nguyễn Mạnh Hà nhận xét./.