Tụt hạng PCI, các tỉnh ĐBSCL chưa hết ngỡ ngàng
Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, ĐBSCL có 13 tỉnh, thành thì có đến 10 tỉnh giảm thứ hạng.
Cho đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh chưa rõ nguyên nhân tại sao có sự thay đổi lớn như vậy. Tuy nhiên, một điểm dễ nhận thấy là những chỉ tiêu vốn là thế mạnh của vùng trong các năm qua như tính năng động hay dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp lại giảm rất sâu. Sức chịu đựng của doanh nghiệp ở ĐBSCL đã yếu hơn rất nhiều trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Chưa rõ nguyên nhân
Năm nay, câu chuyện về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL là một câu chuyện buồn. Bởi lẽ, trong 13 địa phương thì có đến 10 tỉnh bị giảm thứ hạng. Tụt hạng nhiều nhất là Vĩnh Long.
Năm 2007, Vĩnh Long xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng, năm 2008 xếp thứ 4, năm 2010 xếp thứ 9 và năm 2011, tỉnh này đã đứng ở cuối bảng xếp hạng, số 54. Hầu như tất cả các chỉ số như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của Vĩnh Long đều nằm ở cuối bảng.
Chỉ duy nhất có 1 chỉ số tiệm cận với sự hài lòng của doanh nghiệp đó là thiết chế pháp lí. Tiếc rằng, chỉ số này lại không nằm trong những vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải cải thiện một cách mạnh mẽ.
Ông Phạm Thành Khôi, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long rất ngỡ ngàng về vị trí xếp hạng của địa phương mình. Từ một địa phương nằm trong tốp 10 các địa phương có chỉ số PCI cao, nhưng cho đến nay, mọi chuyện đã xoay sang một chiều hướng khác.
Lý giải cho sự tụt hạng của địa phương mình, ông Khôi cho rằng, hiện nay nhu cầu của các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách cũng như cách điều hành của chính quyền các địa phương cao hơn, nên các doanh nghiệp cũng đã khắt khe hơn trong việc đánh giá các chỉ số. Và sự đánh giá ấy chỉ mang tính cảm tính. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Vĩnh Long cũng chưa có một nghiên cứu, hay nhìn nhận lại tại sao chỉ số xếp hạng lại tụt đến như vậy.
Cho rằng PCI là nhiệt kế để đo cảm nhận của doanh nghiệp với địa phương trong bối cảnh hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, chính các cơ quan nghiên cứu về chỉ số này cũng bất ngờ bởi sự tụt hạng nhiều đến như vậy của ĐBSCL.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ nhận định, chưa rõ nguyên nhân nào khiến cho các địa phương ở ĐBSCL có sự thay đổi hay đúng hơn là tụt hạng đến thế. Nhưng theo cá nhân ông Dũng, dường như có sự thỏa mãn và lơi là của lãnh đạo các tỉnh, thành. Minh chứng là số lần tổ chức báo cáo phân tích PCI với các tỉnh, thành trong 2 năm qua giảm nhiều so với những năm trước.
Tuy nhiên, câu chuyện chủ yếu không phải ở các cuộc hội thảo mà thực chất nằm ở chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, sự phân công và kiểm tra đôn đốc trong quá trình thực hiện. Một nguyên nhân nữa là do năm 2011 các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chính vì thế doanh nghiệp trông đợi nhiều vào cách thức giải quyết của chính quyền, nhưng có thể họ đã thất vọng khi không thấy những sáng kiến để giúp đỡ trong lúc khó khăn.
Tìm lời giải cho bài toán lên hạng
PCI không chỉ là chỉ số đo lường mức độ hài lòng của doanh nghiệp mà nó phản ánh năng lực điều hành của bộ máy quản trị địa phương, môi trường kinh doanh của địa phương. Qua đó làm tăng tính hấp dẫn để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Việc cải thiện chỉ số PCI luôn gắn với kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm, phúc lợi mang lại cho địa phương. Theo ý kiến các chuyên gia, lời giải lên hạng cho các tỉnh, thành ở ĐBSCL là một việc rất khó. Vì một số tỉnh, thành có thứ hạng cao trong những năm trước, nhưng năm vừa rồi đã bị tụt hạng và giờ đây lại tụt mạnh hơn nữa thì dường như, niềm tin của doanh nghiệp với địa phương đã có sự xói mòn.
Cho nên, với những tỉnh có sự thay đổi đột ngột như Vĩnh Long, An Giang, Trà Vinh phải cố gắng gấp 2 - 3 lần thì mới thay đổi được. Bởi vì ĐBSCL có tới 97% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy mà họ cần nhiều đến những sáng kiến cũng như những giúp đỡ về các chính sách từ chính quyền cơ sở.
Theo giám đốc VCCI tại Cần Thơ Võ Hùng Dũng: “Lời giải chính ở các địa phương chứ không đâu khác. Câu chuyện mời chuyên gia đến chỉ là bên ngoài, còn trước hết phải tạo nhận thức ở những người lãnh đạo. Thứ hai là phải có nhận thức sâu sắc ở cấp quận, huyện và xã, phường.
Bởi hằng ngày các doanh nghiệp đụng chạm rất nhiều quy định hay thủ tục hành chính ở cấp quận, huyện, xã, phường nên việc chuyển đổi thông suốt và tích cực bộ máy chính quyền cơ sở là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay”./.