Tuyến Metro đầu tiên tại TP HCM lại trễ hẹn
Tuyến metro đầu tiên phải dời đến năm 2020 mới chính thức vận hành, trong khi 2 tuyến tiếp theo chưa biết khi nào mới bắt đầu xây dựng.
Thông tin trên được công bố tại cuộc họp của Ban Quản lý (BQL) đường sắt đô thị TP.HCM với báo chí chiều 20.4 về tình hình thực hiện 3 tuyến metro triển khai đầu tiên trên địa bàn.
Cụ thể, trong 6 tuyến metro theo quy hoạch của TP.HCM, đến nay có 3 tuyến lần lượt được triển khai thực hiện là tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và tuyến số 5 (cầu Sài Gòn - Bến xe Cần Giuộc mới, giai đoạn 1: cầu Sài Gòn - ngã tư Bảy Hiền).
Lập lại thiết kế kỹ thuật nhà ga ngầm
Theo BQL, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn đầu tư khoảng 2,49 tỉ USD từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của VN. Dự án đã triển khai thực hiện từ tháng 3.2007, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, do việc chậm trễ trong công tác giải tỏa và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro số 1, 2, 3a và số 4 nên thời gian xây dựng và hoàn thành toàn bộ tuyến metro số 1 là năm 2019, đưa vào vận hành năm 2020. Theo ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng BQL, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với thời gian hoàn thành này.
Gói thầu số 3 mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ra và bảo dưỡng, do nhà thầu Hitachi triển khai thực hiện từ tháng 8.2013, thời gian thực hiện là 56 tháng. Mô hình đầu máy toa xe đã được vận chuyển về VN trưng bày, lấy ý kiến góp ý của nhân dân và chuyên gia về hình dáng, màu sắc đoàn tàu từ ngày 16.3 - 17.4.
Chờ Quốc hội thông qua
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng mức đầu tư 1,374 tỉ USD, không bao gồm hạng mục nhà ga trung tâm Bến Thành và Công ty vận hành bảo dưỡng (thuộc các dự án riêng). Nguồn vốn của dự án này gồm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 540 triệu USD, Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) 313 triệu USD, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) 195 triệu USD và vốn đối ứng của VN là 6.204 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Cường, tuyến metro này không thể nào hoàn thành vào năm 2018 mà sẽ phải điều chỉnh thời gian hoàn thành, còn điều chỉnh như thế nào thì hiện chưa có cơ sở để công bố. Ông Hứa Quốc Hưng, Giám đốc BQL dự án tuyến metro số 2, cho biết tuyến này dài 11,3 km gồm 9,3 km đi ngầm, còn lại đi trên cao, với 9 nhà ga ngầm.
Trong khi đó, tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (cầu Sài Gòn - ngã tư Bảy Hiền) đã thu xếp được đầy đủ nguồn vốn đầu tư là 1,563 tỉ euro, từ vốn của chính phủ Tây Ban Nha (275 triệu euro), ADB (475 triệu euro), EIB (150 triệu euro), KFW (200 triệu euro) và vốn đối ứng của VN (463 triệu euro). Dự án đã được trình UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, theo quy định tại luật Đầu tư công, dự án tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư khoảng 41.615 tỉ đồng, là dự án quan trọng quốc gia (sử dụng vốn đầu tư công trên 10.000 tỉ đồng), do đó phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tuyến này có 7,5 km đi ngầm và 1,4 km đi trên cao, cùng với 7 nhà ga ngầm và 1 nhà ga trên cao giao với tuyến số 1 tại Tân Cảng.
BQL cho biết đang hợp đồng với các công ty tư vấn trong nước lập dự án đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị còn lại trong quy hoạch, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2015 để làm cơ sở cho việc kêu gọi vốn đầu tư, đăng ký vốn đầu tư ODA và cũng để làm cơ sở cho các địa phương quản lý quy hoạch xây dựng.
Mỗi tuyến một công nghệ
Theo BQL, 3 tuyến đang được triển khai thực hiện sử dụng công nghệ của 3 nước: tuyến số 1 của Nhật Bản; tuyến số 2 của Đức và tuyến số 5 của Tây Ban Nha, nên việc kết nối 3 tuyến với nhau như thế nào là một vấn đề không dễ dàng. Tại cuộc họp chiều qua, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, ông Bùi Xuân Cường cho biết sẽ có sự khống chế về mặt kỹ thuật để có thể thực hiện việc kết nối này. Cụ thể là sử dụng chung hệ thống thông tin tín hiệu, khổ đường ray cũng thống nhất chung là 1,435 m, kể cả đầu máy, toa xe có công nghệ lấy điện trên cao hay dưới thấp cũng phải đồng bộ. Ngoài ra, tiêu chí thiết kế tải trọng trục cũng được khống chế để các hệ thống có thể sử dụng chung với nhau.
Theo ông Cường, khi khống chế, cũng không kỳ vọng toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị của TP có thể dùng chung tất cả, nhưng sẽ tính toán để làm sao trong quá trình vận hành có thể tiết kiệm nhất về nguồn lực của cả hệ thống. Các tuyến sẽ kết nối theo quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị của TP./.