Tỷ lệ người tiêu dùng Việt thử sản phẩm mới cao nhất Đông Nam Á
VOV.VN - 88% người Việt cho biết họ mua sản phẩm mới trong các chuyến mua hàng tạp hóa, cao hơn 19% so với mức trung bình của khu vực.
Theo một báo cáo mới được công bố bởi Nielsen - Công ty đo lường hiệu suất toàn cầu, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố lớn của Việt Nam bao gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương nhưng chậm lại trong quý đầu năm 2016, tăng 3.6% (so với mức tăng 5.7% của quý cuối năm ngoái), chủ yếu chủ yếu nhờ vào sản lượng tăng đạt mức 3.0% (so với mức 4.9% trong quý 4/2015).
Người tiêu dùng thích sản phẩm mới là thách thức đối với các nhà sản xuất. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong 8 tháng liên tiếp, ngành hàng đồ uống liên tục cho thấy sự tăng trưởng ổn định. Đặc biệt trong quý 1/2016, ngành hàng đồ uống tăng trưởng ấn tượng đạt 10% - mức tăng cao nhất trong vòng 2 năm qua. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào tăng trưởng sản lượng với mức 8.1%. Ngược lại, tất cả các ngành hàng khác đều không cho thấy bức tranh tươi sáng, thể hiện sự trì trệ trong tăng trưởng của mình.
Trong quý 1/2016, tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố lớn chỉ đạt 3.6%, thấp hơn mức tăng GDP là 5.5%. Điều này cho thấy khi thu nhập của người tiêu dùng đã đạt đến một mức nhất định nào đó, mong muốn tiêu dùng của người dân cũng sẽ thay đổi.
Cụ thể, người tiêu dùng ở khu vực thành thị (đặc biệt tại 6 thành phố chính) ngày càng có những đòi hỏi cao hơn và họ cũng mong chờ có những sự lựa chọn tốt hơn. Họ đang tìm kiếm những sản phẩm sáng tạo và đổi mới cũng như chờ đợi những trải nghiệm tiêu dùng mới.
Đặc biệt, khi thiếu sự sáng tạo thì các mặt hàng tiêu dùng nhanh sẽ dần trở thành các mặt hàng cơ bản, khi đó người tiêu dùng vẫn sẽ mua sản phẩm nhưng sẽ dừng lại ở mức vừa đủ, do đó sẽ không tạo nên sự đột phá về tăng trưởng.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc, Bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người tiêu dùng sẵn sàng thử sản phẩm mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. 88% người Việt cho biết họ đều mua sản phẩm mới trong các chuyến mua hàng tạp hóa của họ, cao hơn 19% so với mức trung bình của khu vực (69%). Điều này cho thấy những cơ hội cũng như thách thức đối với nhà sản xuất để có thể cung cấp sản phẩm sáng tạo và đổi mới ra thị trường.
Ông Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua, chỉ có ngành hàng thức uống và bia là đáp ứng được “cơn khát” của người tiêu dùng về sản phẩm mới khi liên tục tung ra các sản phẩm sáng tạo ấn tượng thỏa mãn được các nhu cầu của người tiêu dùng.
“Các nhà sản xuất thức uống và bia liên tục tạo ra các chiến dịch truyền thông, tiếp thị rầm rộ và đã tạo ra sự liên kết về cảm xúc, đồng thời tạo cơ hội phát triển cho các kênh tiêu dùng cao cấp mới. Trong đó cung cấp một môi trường tiêu dùng mới cho khách hàng. Quan trọng hơn, các nhà sản xuất cũng cần phải hợp tác chặt chẽ với nhà bán lẻ để đảm bảo có được sự ủng hộ từ họ nhằm giới thiệu các sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng”, ông Dũng cho biết./.