Tỷ phú xuất hiện ở nông thôn, Nhà nước không thu được đồng thuế nào
VOV.VN - Do các chính sách ưu đãi thuế đối với khu vực nông nghiệp còn nhiều kẽ hở nên đã bị lợi dụng…
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều nay (8/10), khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi một số luật thuế: “Hiện nay, nông nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt ảnh hưởng tới những tỉnh, huyện có nguồn thu chính từ nông nghiệp. Nhưng lại có một thực tế là nhiều tỷ phú xuất hiện ở nông thôn. Họ trồng cà phê, tiêu… rồi bán, cầm cả tỷ đồng tiêu mà Nhà nước không thu được đồng thuế nào”, ông Ksor Phước nói.
Theo ông Ksor Phước, thực tiễn 2 năm qua chúng ta thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, trong đó có các giải pháp liên quan đến thuế, phí đã gây khó khăn cho nguồn thu. Với Tờ trình lần này của Chính phủ, ông Ksor Phước đặt câu hỏi: “Còn vấn đề nào nữa liên quan mà chưa được đưa vào đây?”.
Nhìn lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Ksor Phước nói: Tôi chú ý có tới 4 vấn đề là Ủy ban Tài chính không đồng tình. Có 2 vấn đề đồng tình nhưng đề xuất một số chi tiết phải xem lại. “Đề nghị Chính phủ rà soát lại xem 17 vấn đề đưa ra trong báo cáo đã đủ chưa hay còn thiếu?”, ông Ksor Phước nhắc lại.
Bày tỏ tán thành việc trình dự án luật này nhưng băn khoăn về việc “mâu thuẫn với Nghị quyết 37 của Quốc hội”, đại biểu Trương Thị Mai đề nghị Ủy ban Tài chính-Ngân sách giải thích rõ hơn.
Cần bổ sung thuế TNDN đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. (Ảnh: KT)
“Đây là việc Quốc hội hết sức cân nhắc, vì một số điều Chính phủ đề nghị là hợp lý. Phải cân nhắc là vì chúng ta xây dựng luật nhưng đời sống của luật ấy không dài, có nhiều khe hở, hạn chế. Ví dụ để hay không để 15% quảng cáo, chúng ta bàn nhiều, lần này, Quốc hội phải dứt khoát. Ngoài ra, còn vấn đề gì thì Chính phủ nên trình luôn. 4 năm qua, mỗi năm Chính phủ đưa ra một chút, không có tầm dài hạn, hệ thống pháp luật thiếu ổn định, bao quát, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư”, ông Hiển nói.
Phân tích rõ hơn, ông Hiển cho rằng, trong 4 năm qua, chúng ta ban hành nhiều chính sách, nhưng không hẳn là vì thuế. Cụ thể, thuế GTGT của Việt Nam thấp nhất khu vực. Thuế TNDN lộ trình giảm rất nhanh. Như vậy, khó khăn của DN đâu phải vì thuế mà vì vấn đề khác.
Theo ông Hiển, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách không nhất trí và đề nghị cân nhắc việc xóa tiền phạt chậm nộp thuế như Tờ trình của Chính phủ. Vì bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính. Do đó, việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng với doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật.
Trong phiên họp chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung: Quy định khống chế đối với chi phí quảng cáo; Bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công nghiệp hỗ trợ; Bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có qui mô vốn tổi thiểu 12.000 tỷ đồng; Bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Thuế TNDN đối với phần thu nhập của DN thu về nước của các dự án do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; Bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN.
Về thuế TNCN, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với thu nhập cá nhân từ trúng thưởng trong casino; Miễn giảm thuế TNCN đối với cá nhân Việt Nam là thuyền viên làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài và tàu Việt Nam vận tải quốc tế; Về qui định miễn thuế thu nhập CN đối với chủ tàu cung cấp dịch vụ trực tiếp phục vụ khai thác hải sản xa bờ biển; về bổ sung một số điều của Luật thuế tài nguyên; Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật quản lý thuế, trong đó nổi lên nội dung xóa tiền phạt chậm nộp thuế….
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết ban hành một luật sửa đổi các luật thuế. Có điều băn khoăn, luật này đã bao quá hết tất cả các nội dung cần sửa đổi tại các luật thuế hay chưa. Tránh tình trạng nay sửa, mai mốt lại phát sinh cần sửa đổi hoặc ra nghị quyết để xử lý. Về khống chế chi phí quảng cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng phương án không khống chế là thuyết phục, kèm theo đó qui định nội dung nào được quảng cáo.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu rà soát danh mục công nghiệp hỗ trợ được ưu đãi, các dự án có qui mô vốn trên 12.000 tỷ; cân nhắc thời gian ưu đãi 30 năm đối với các dự án xã hội hóa giáo dục, y tế. Việc xóa nợ chậm nộp thuế, theo Phó Chủ tịch Quốc hội cần xem xét kỹ vì chỗ nào cũng có lý do rất thuyết phục./.