Ukraine liệu có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế?

VOV.VN - Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine được dự đoán sẽ giảm từ 5-7% trong năm nay.

Tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hiện không chỉ phải giải quyết tình trạng bạo động tại miền Đông nước này, mà còn phải đối mặt với một vấn đề không kém thách thức, đó chính là nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng của Ukraine.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine được dự đoán sẽ giảm từ 5-7% trong năm nay. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn, nếu các cuộc nổi loạn của phe thân Nga tiếp tục diễn ra tại miền Đông nước này, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ tại tỉnh Donetsk và Luhansk, trung tâm của ngành công nghiệp nặng và khai thác kim loại của Ukraine. Không chỉ thế, sản lượng đóng góp của hai khu vực này còn chiếm tới gần 16% tổng sản phẩm quốc nội của Ukraine.

Tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Ảnh: Reuters)

Ông Poroshenko đã cam kết sẽ chấm dứt tình trạng bạo lực tại nước này, sau khi tổ chức cuộc hội đàm với Đại sứ Nga tại Ukraine và các đại diện của Đức và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ngày Chủ nhật vừa qua.

“Chúng ta cần phải chấm dứt trình trạng bạo loạn trong tuần này. Mỗi ngày trôi qua lại có thêm người chết, và Ukraine đang phải trả một cái giá quá cao. Điều này là không thể chấp nhận được”, ông Poroshenko cho biết trong động thái đầu tiên là khôi phục hoạt động tại khu vực biên giới Ukraine nhằm đảm bảo an ninh cho tất cả người dân Ukraine sống tại Donbass.

Ngoài các cuộc xung đột ở miền Đông, nền kinh tế của Ukraien cũng đang phải đối mặt với nhiều điểm bất ổn khác. Trong đó, vấn đề giá khí đốt nhập khẩu với Nga vẫn là còn nhiều bàn cãi, các bên vẫn chưa đưa đi đến sự thống nhất nào.

Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt có thể sẽ lại một lần nữa xảy ra, giống như trường hợp xảy ra năm 2009. Điều này sẽ có thể làm tê liệt nền kinh tế Ukraine.

Olena Bilan, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Cơ quan Dragon Capital có trụ sở ở Kiev cho biết, các cuộc tranh chấp tại miền Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung khí đốt và tăng nguy cơ làm tổn hại đến hoạt động thương mại của nước này.

Kim ngạch xuất khẩu của Ukraine sang Nga chiếm tới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu sang Nga là các sản phẩm công nghiệp như ô tô đường sắt, thiết bị quốc phòng. Moscow đã thể hiện tinh thần sẵn sàng ngừng nhập khẩu các sản phẩm của Ukraien, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước không ngừng leo thang, bao gồm cả một lệnh cấm nhập khẩu kẹo từ doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Roshen của Tổng thống Poroshenko trong năm ngoái. Đầu năm nay, Nga cũng đã cấm nhập khẩu sản phẩm sữa từ 6 công ty của Ukraine. Phía Nga cho biết, nước này có thể sẽ tăng thuế nhập khẩu hàng hóa của Ukraine trong thời gian tới.

Tổng thống Poroshenko vào cuối tuần trước đã có buổi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Pháp. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai vị lãnh đạo kể từ khi ông Poroshenko nhậm chức. Ông Putin cho biết ông đánh giá cao thái độ của tân tổng thống Ukraine và đang lên kế hoạch hợp tác với nước này, tuy nhiên, tổng thống Nga cũng cho biết có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trên mặt trận thương mại.

Để cải thiện nền kinh tế, Ukraine đang phụ thuộc vào khoản cứu trợ trị giá 17 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và 15 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới cùng các khoản tài trợ từ Liên minh châu Âu,… IMF mới đây dự đoán, GDP thực của Ukraine sẽ giảm 5% trong năm nay và phục hồi khoảng 2% trong năm 2015 nếu nước này thực hiện theo các cam kết với cơ quan này.

Ukraine đã thông qua một số biện pháp cải thiện kinh tế ngặt nghèo nhất theo yêu cầu của IMF. Chính phủ nước này đã dừng việc để Ngân hàng Quốc gia Ukraine can thiệp lâu dài trong thị trường ngoại hối, nhằm nâng giá đồng nội tệ hryvina vốn sụt giá nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng. Kiev cũng đã cắt các khoản trợ cấp dài hạn đối với năng lượng, chính sách khiến cho giá khí đốt và nguồn nhiệt rẻ đi song lại tăng gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

Kết quả là, đồng hryvnia đã mất giá khoảng 30% so với đồng USD kể từ đầu năm. Chỉ số lạm phát tăng hơn 10%. Giá khí đốt trung bình cho sinh hoạt tăng hơn 50% kể từ tháng 5 vừa qua. Giá năng lượng sưởi được dự kiến sẽ tăng khoảng 40% từ tháng 7 tới. Tuy nhiên, các hộ nghèo vẫn sẽ nhận được trợ cấp để bù đắp cho những khoản phí tăng mạnh dó.

“Có vẻ như người dân Ukraine đã sẵn sàng chấp nhận sự sụt giảm trong mức sống”, ông Vitaliy Vavryshchuk, giám đốc nghiên cứu của SP Advisors tại Kiev cho biết.

Ukraine hiện đang áp dụng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” và thúc đẩy các hoạt động thu nhằm giảm thâm hụt ngân sách quốc gia. Trong đó, để tăng nguồn thu, chính phủ đã hủy bỏ các kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu và thuốc lá. Ukraine cũng lên kế hoạch “đóng băng” tiền lương chính phủ, giảm số lượng công chức và hủy bỏ kế hoạch tăng lương hưu,…

Cuộc xung đột phía Đông Nam Ukraine đã làm tê liệt nhiều hoạt động của các doanh nghiệp tại đây, điều này càng tăng áp lực lên ngân sách quốc gia. Trong tháng 5, Ukraine chỉ thu được 88% mục tiêu doanh thu từ thuế và hải quan tại Donetsk và 75% mục tiêu đề ra tại Luhansk.

“Nếu có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này, chỉ riêng IMF cũng có thể giúp hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các nhà chức trách Ukraine có thể đưa các vấn đề này vào tầm kiểm soát”, ông Alexander Valchyshen, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Investment Capital nhận định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên