Ứng dụng công nghệ mới để tối ưu hoá chiến lược quản lý và chuỗi cung ứng
VOV.VN - Các nhà bán lẻ đang rất coi trọng phương thức bán hàng đa kênh và áp dụng các công nghệ mới trong cả hoạt động bán hàng và thanh toán.
Ứng dụng công nghệ mới như IoT, Big Data, AI, Machine Learning…sẽ giúp doanh nghiệp giúp tối ưu hoá chiến lược quản lý và chuỗi cung ứng, từ đó gia tăng doanh số hoạt động. Nhận định này được đưa ra tại hội thảo “Chuyển đổi số - Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành bán lẻ” do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hôm nay 30/6, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, dưới tác động của dịch Covid -19 doanh nghiệp đã có ý thức chuyển đổi số, làm mới mình nhanh hơn rất nhiều. Nếu như trước kia, để chuyển đổi số phải mất 2 năm thì giờ đây doanh nghiệp chỉ mất 2 tháng. Đặc biệt, trong ngành bán lẻ, yếu tố chuyển đổi số càng phải nhanh hơn vì thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khách hàng đã có những yêu cầu cao hơn. Hiện nay, các nhà bán lẻ rất coi trọng phương thức bán hàng đa kênh và áp dụng các công nghệ mới trong cả hoạt động bán hàng và thanh toán.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cùng với sự phát triển của công nghệ đã làm thói quen mua sắm tiêu dùng cũng dần thay đổi. Khách hàng có thói quen xem xét và lựa chọn hàng hoá trực tuyến trước khi đặt mua hoặc tới mua tại cửa hàng. Hơn nữa, không chỉ mua một món đồ, người dùng còn đề cao tính trải nghiệm trong quá trình mua sắm.
“Việc ứng dụng công nghệ mới như IoT, AR, Big Data, AI, Machine Learning… giúp doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng với những trải nghiệm và giá trị khác biệt, tối ưu hoá chiến lược quản lý và chuỗi cung ứng, từ đó, gia tăng doanh số hoạt động và phát triển doanh nghiệp. Thị trường bán lẻ đang cực kỳ cạnh tranh và bất kể quy mô của doanh nghiệp là gì thì tốc độ chuyển đổi số cũng đều đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ”, ông Hoàng Quang Phòng nêu rõ.
Để chuyển đổi số thành công, theo ông Lê Đức Trung, Quản lý kênh đối tác, Microsoft Việt Nam cho rằng, có 4 yếu tố mà doanh nghiệp cần phải chú ý. Cụ thể, cần tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng, thông qua việc thu thập dữ liệu cá nhân, chăm sóc khách hàng thân thiết, ứng dụng các công nghệ như AI, Chatbot… vào việc chăm sóc dịch vụ khách hàng, đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà… Thứ 2 là trao quyền cho nhân viên, cung cấp những công cụ giúp họ thỏa sức sáng tạo, tạo ra các dịch vụ, sản phẩm tốt hơn, thành một chuỗi cung ứng thông minh. Tiếp đến là tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ như giải pháp về chữ kí điện tử, hóa đơn điện tử… Và cuối cùng là tăng cường cung cấp các dịch vụ mới, nhiều giá trị gia tăng hơn để có thể tăng trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nền tảng và đối tác công nghệ đáng tin cậy, an toàn bảo mật, minh bạch về chi phí.
Còn theo ông Trần Viết Huân, Giám đốc công nghệ Tập đoàn Sơn Kim cho rằng, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. “Đối với quá trình chuyển đổi số cần người lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số hoặc chúng ta phải tuyển lãnh đạo chuyển đổi số về với doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải am hiểu chuyển đổi số. Mặt khác, cần có hợp tác về chuyển đổi số để cùng chia sẻ kinh nghiệm tốt để cùng nhau triển khai”, ông Huân nói./.