Ứng dụng công nghệ số là xu hướng của ngành thực phẩm
VOV.VN - Nền tảng công nghệ số giúp truy xuất được đầy đủ thông tin sản phẩm và kiểm định chất lượng.
Sáng nay (9/12) tại TP HCM, Bộ Công Thương tổ chức triển lãm trực tuyến quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2020; Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam. Các đại biểu tập trung trao đổi về xu hướng ngành thực phẩm trong nước và thế giới sau dịch bệnh Covid-19.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi về xu hướng ngành thực phẩm trong nước và thế giới; thương hiệu thực phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp ngành thực phẩm trong điều kiện dịch bệnh; tổ chức sàn giao dịch thực phẩm và việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm…
Về xu hướng tiêu dùng thực phẩm, nhiều đại biểu cho rằng, từ khi có dịch Covid -19 hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi rất nhiều. Người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm nội địa, đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm bổ sung dưỡng chất, tăng sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải thay đổi, thích ứng, nắm bắt tốt xu hướng này.
Covid-19 cũng khiến người tiêu dùng hình thành thói quen ăn uống tại nhà nhiều hơn và thích mua hàng trực tuyến. Ước tính năm nay, doanh thu ngành đặt thức ăn trực tuyến trên thế giới đạt hơn 136 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng lên khi có đến 1,2 tỷ người dân trên thế giới sử dụng dịch vụ. Việt Nam cũng phát triển tiêu dùng theo xu hướng này.
Người tiêu dùng khi đặt thức ăn trực tuyến sẽ hướng đến sử dụng nền tảng công nghệ số, để truy xuất được đầy đủ thông tin sản phẩm và kiểm định chất lượng, đồng thời chuyển từ xu hướng ăn đạm động vật sang đạm thực vật nhiều hơn.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn kinh doanh The Blue Ocean nhận định, thời gian tới sẽ bùng nổ hơn nữa các loại thực phẩm từ thực vật, các nhà cung cấp sẽ tìm những chuỗi thực phẩm này thay thế cho sản phẩm thực phẩm từ thịt.
“Các chuỗi cửa hàng thực phẩm, nhất là thức ăn nhanh cũng sẽ phải thay đổi từ những sản phẩm đang làm từ thịt sang thực phẩm làm từ thực vật”, bà Quỳnh khuyến cáo./.