Ưu đãi thuế chỉ là vấn đề thứ cấp trong thu hút đầu tư
VOV.VN - Ưu đãi thuế chỉ là vấn đề thứ cấp trong thu hút đầu tư và thuế tối thiểu toàn cầu là sáng kiến quan trọng tránh “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài…
Đây là nhận định của ông Jochen Schmittmann - Trưởng Đại diện thường trú, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Lào và Campuchia trong Phiên thảo luận “Chính sách tài chính vượt qua thách thức thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế”, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 do Bộ Tài chính và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU), Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển liên bang Đức (BMZ) tổ chức hôm nay 30/11.
Theo ông Jochen Schmittmann, việc thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu còn giúp xóa bỏ các kẽ hở trong quản lý, không để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế, chuyển giá. Hiện nay, nhiều quốc gia đang chuẩn bị triển khai thuế tối thiểu toàn cầu nhằm tạo sân chơi công bằng. Ước tính khi Việt Nam tham gia chính sách này, số thu ngân sách có được từ FDI khoảng 0,2% GDP là hạn chế.
Ông Jochen Schmittmann cho rằng, nếu triển khai chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư lớn, không ảnh hưởng đến DN nhỏ và vừa đầu tư vào Việt Nam và các ưu đãi thuế không phải là lý do chính để thu hút FDI vào Việt Nam. Yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào VN chính là từ môi trường chính trị, sự chăm chỉ của người lao động tận tâm với công việc và trình độ lao động ngày càng cao… Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra các quan ngại trong thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay đó là: cơ sở hạ tầng; quy trình phê duyệt, xử lý tín dụng, cấp tín dụng, môi trường kinh doanh có vai trò hơn so với các ưu đãi thuế. Việt Nam nên dành một phần tiền thu từ thuế tối thiểu toàn cầu để đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp hệ thống điện.
Việt Nam nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững
Cho ý kiến về vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh tại phiên thảo luận, Phó Trưởng phòng Hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, EU là đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam. JETP sẽ huy động khoảng 15,5 tỷ USD ban đầu từ tài chính công và khối tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam (tức là giảm phát thải khí nhà kính và loại bỏ dần việc sử dụng năng lượng than).
Tháng 10/2023 vừa qua, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) đã ký Biên bản ghi nhớ với Việt Nam để cung cấp một khoản tín dụng đa dự án trị giá 500 triệu EUR cho các dự án hỗ trợ JETP. Ngoài ra, EU đã dành 16,6 triệu EUR hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ Điện lực Việt Nam (EVN) trong các dự án liên kết với JETP. EU cũng đang hỗ trợ Việt Nam các cải cách trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm các điều kiện về năng lượng tái tạo, hiệu quả sử dụng năng lượng, đường dây/lưới truyền tải. Điều này được thực hiện thông qua chương trình hỗ trợ ngân sách trị giá 142 triệu EUR cho Chuyển đổi năng lượng bền vững. Kế hoạch huy động nguồn lực JETP tại Hội nghị COP-28 ở Dubai. Đại diện của EU nhấn mạnh: “Việt Nam đang nắm vai trò chủ đạo để thực hiện JETP với sự hỗ trợ của EU, các quốc gia thành viên và các đối tác phát triển còn lại”.
Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế
Đánh giá về tác động và vai trò của chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian qua, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho rằng, từ năm 2020, khi đại dịch Covid – 19 bùng phát đã ảnh hưởng và tác động sâu rộng tới kinh tế của thế giới trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều các giải pháp về thuế phí, các giải pháp đó đã góp phần quan trọng khôi phục thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bước sang năm 2023, trước diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình kinh tế thế giới ảnh hưởng sâu rộng tới sản xuất kinh doanh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền, trình Chỉnh phủ trình UBTVQH tiếp tục có giải pháp hỗ trợ thuế phí và lệ phí cho người dân. Quy mô các giải pháp thực hiện trong năm 2023 khoảng 196.000 tỷ đồng, gia hạn thuế 121.000 tỷ đồng, các giải pháp miễn giảm 1 số khoản thuế phí, lệ phí khoảng 13.000 tỷ đồng (trong đó giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trên thế giới tiếp tục tăng cao.
“Các giải pháp được Bộ Tài chính ban hành đã nhận được đồng tình, đánh giá cao DN, người dân và dư luận xã hội”, ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh.
Ông Trương Bá Tuấn cũng cho rằng, để có được các chính sách đúng thì phải nhận diện và đánh giá kịp thời diễn biến để có thể chủ động tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội; cũng như cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và các chính sách có liên quan. Bên cạnh đó, đánh giá kỹ tác động của các chính chính, để lựa chọn nhằm mục tiêu hỗ trợ người dân, DN vừa góp hỗ trợ định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh giá tăng cao, đảm bảo vai trò chính sách tài khóa được duy trì, và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.